Số lượng dân nhập cư vào thành phố ngày càng đông, trong khi mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nên trẻ dưới 18 tháng tuổi vẫn ít có cơ hội tiếp cận trường công lập. Đó là những trăn trở của các đại biểu tại hội thảo chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhà trẻ dưới 36 tháng tuổi, được Sở GD&ĐT thành phố tổ chức sáng 14-12.
Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay, quy mô mạng lưới trường mầm non (MN) tại Đà Nẵng phát triển nhanh. Đến hết tháng 11-2018, toàn thành phố có 205 trường MN, trong đó có 71 trường công lập, 1 trường dân lập, 133 trường tư thục. Ngoài ra, có 1.027 nhóm nhà trẻ thu nhận 16.378/24.309 trẻ, đạt tỷ lệ huy động 67,4%. Mẫu giáo có 1.938 lớp, thu nhận 50.713/51.159 trẻ, đạt 99,1%. Số lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi có 585 lớp, thu nhận 16.077/16.077 trẻ, đạt 100%.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, hiện nay có 99% trẻ nhà trẻ, mẫu giáo được tham gia bán trú tại các cơ sở giáo dục MN trên địa bàn phường, xã. Mặc dù tỷ lệ huy động trẻ, nhà trẻ đến trường trên địa bàn thành phố tăng nhanh và đạt 67,4%, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi vào các trường MN công lập.
Chỉ tính riêng địa bàn quận Hải Châu, đến tháng 12-2018, có 46 trường MN (16 trường công lập, 30 trường tư thục), 93 nhóm trẻ độc lập tư thục. Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, năm học 2018-2019, Phòng GD&ĐT lựa chọn và thực hiện việc giao chỉ tiêu tuyển sinh thu nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi vào các trường MN nhằm bảo đảm tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tại các trường MN công lập, tư thục.
Đến nay, 100% trường đều thu nhận trẻ 18-36 tháng; có 10 trường thu nhận trẻ dưới 18 tháng. “Theo Điều lệ trường MN quy định cơ sở giáo dục MN phải tổ chức thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em 6-72 tháng theo chương trình giáo dục MN của Bộ GD&ĐT ban hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, các trường MN hiện nay ở địa bàn quận chưa thu nhận hết trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và chủ yếu thu nhận trẻ 18-24 tháng tuổi trở lên; vì vậy, chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ 6-18 tháng tuổi của phụ huynh”, bà Hà trăn trở.
Nói về nguyên nhân, bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng, do số lượng dân nhập cư đông, cơ sở trường lớp công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng của phụ huynh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất một số trường, nhóm lớp chưa bảo đảm, môi trường chung còn chật hẹp, một số đồ dùng, thiết bị phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ độ tuổi dưới 18 tháng tuổi chưa có hoặc chưa bảo đảm đúng quy định…
Trước sự bức thiết đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân mở trường MN ở khu công nghiệp, khu chế xuất và mở rộng cơ sở các trường MN công lập trên địa bàn các phường: Thọ Quang, An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).
UBND thành phố cũng phê duyệt nhiều đề án, chính sách đối với bậc MN như: đề án đầu tư trang thiết bị - đồ chơi cho trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường MN công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019; khảo sát 21 đơn vị thực hiện thí điểm để định hướng đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất thu nhận trẻ 6-18 tháng tuổi vào các trường MN công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019…
Tại hội thảo lần này, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường mầm non cũng được các đại biểu quan tâm. Ông Đặng Ngọc Hùng, Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, hiện nay toàn thành phố có 205 bếp ăn mẫu giáo, MN; riêng nhóm trẻ gia đình có 634 bếp. Các trường cần phải bố trí bếp ăn bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; phải sử dụng nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, tươi sống hằng ngày… |
NGỌC PHÚ