Giáo dục học sinh bảo vệ môi trường

.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh là việc làm thiết thực, được ngành giáo dục thành phố nói chung, huyện Hòa Vang nói riêng triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.

Ngoài những hàng cây rợp bóng mát, ở mỗi lớp tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự đều có “góc thiên nhiên”.
Ngoài những hàng cây rợp bóng mát, ở mỗi lớp tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự đều có “góc thiên nhiên”.

Bước vào Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong), đập vào mắt chúng tôi là không gian xanh, sân trường rợp bóng mát với nhiều loại cây bàng, phượng, hoa sữa... Đặc biệt, ở hành lang 31 lớp học, nhiều cây cảnh, giỏ cây xanh và hoa được chưng, xếp bắt mắt.

Cô Lê Thị Bích Trâm, Hiệu phó Trường tiểu học Lâm Quang Thự cho biết, xây dựng “Trường học xanh” được nhà trường đặc biệt quan tâm; trường đã đầu tư trồng cây xanh, trang trí tại các bồn hoa, làm vườn thuốc nam. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo các lớp triển khai thực hiện “góc thiên nhiên” tại mỗi lớp, do phụ huynh, các mạnh thường quân hỗ trợ. Hằng ngày, các em học sinh tự phân công để chăm sóc.

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, hằng năm, Phòng GD-ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo việc xây dựng “Trường học xanh” đối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện; phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường trong việc đôn đốc, bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất thiết bị, tổ chức các hoạt động cụ thể và triển khai các hoạt động kiểm tra, công nhận danh hiệu “Trường học xanh”.

Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện cũng như làm tốt công tác tuyên truyền, giúp mọi người nhận thức sâu sắc và có những hành động hiệu quả hơn để chung sức giáo dục bảo vệ môi trường nhà trường, cộng đồng luôn xanh, sạch, đẹp.

Với nỗ lực của ngành, của các trường, số trường học được công nhận “Trường học xanh” hằng năm tăng cao. Nếu năm 2015, chỉ có Trường tiểu học Hòa Khương 2, Hòa Liên 2 được công nhận đạt chuẩn “Trường học xanh” thì đến nay, có thêm các trường: số 1 Hòa Tiến, Lê Kim Lăng, số 1 Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, số 2 Hòa Tiến, Hòa Phước, số 2 Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc, số 1 Hòa Sơn, số 2 Hòa Sơn, số 1 Hòa Châu, số 2 Hòa Phước, Lâm Quang Thự, An Phước, Hòa Khương.

Tiếp tục xây dựng “Trường học xanh”, các trường học tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; trong đó có việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình “Tiếng trống môi trường”, “Nốt nhạc xanh”, “Phân loại rác thải”, “Ngày môi trường trong tuần (ngày thứ sáu) tại các trường học”, “Phong trào làm đồ dùng dạy học từ phế phẩm”.

Theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, các mô hình này đang dần phát huy hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường; tạo sự chuyển biến trong hành động của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan học đường  xanh, sạch, đẹp; góp phần tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ý thức bảo vệ môi trường.

Mô hình “Tiếng trống môi trường” tại Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh là mô hình nổi bật và tạo được tiếng vang. Thầy Cáp Phi Hà, Hiệu phó Trường THSC Đỗ Thúc Tịnh cho biết, mô hình được thực hiện hằng tuần vào cuối giờ sinh hoạt lớp, trong khoảng 15 phút.

Sau khi có hiệu lệnh 6 tiếng trống, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh sẽ tham gia tổng dọn vệ sinh trong và ngoài khuôn viên trường, các lớp học, phòng làm việc... theo vị trí được phân công cụ thể. Sau 15 phút, có hiệu lệnh 1 tiếng trống sẽ kết thúc việc dọn vệ sinh, giáo viên chủ nhiệm đánh giá, nhận xét hoạt động ngay tại khu vực dọn vệ sinh; nếu không sạch, không bảo đảm sẽ tiếp tục dọn. Nhà trường sẽ theo dõi kết quả dọn vệ sinh của các lớp để đánh giá thi đua hằng tuần.

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang cho biết thêm, trong thời gian đến, ngành giáo dục huyện Hòa Vang tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa phong trào Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp; phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để gương mẫu chấp hành thực hiện; duy trì nền nếp và ý thức tự giác dọn vệ sinh hằng ngày, hằng tuần; đa dạng hóa hình thức truyền thông về bảo vệ môi trường, như: sân khấu hóa, sáng tác văn học, hội họa, sinh hoạt câu lạc bộ, pano, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức ngày hội tái chế rác thải; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa, chương trình dạy học, các cuộc họp, buổi sinh hoạt lớp, chào cờ hằng tuần, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường nhằm xây dựng, duy trì nền nếp và ý thức tự giác dọn vệ sinh hằng tuần; nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường đã phát huy hiệu quả...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.