GẮN KẾT CHẶT CHẼ VỚI DOANH NGHIỆP

Hướng đào tạo đặc thù cho ngành mũi nhọn

.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” có đề cập hai lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đón đầu nhu cầu nhân lực và xu thế, từ năm học 2018-2019, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã triển khai đào tạo theo cơ chế đặc thù (CCĐT) cho các ngành thuộc lĩnh vực CNTT và du lịch. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đạt được nhiều kết quả bước đầu.

Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp đào tạo đặc thù các ngành Hệ thống thông tin quản lý và Thương mại điện tử.
Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp đào tạo đặc thù các ngành Hệ thống thông tin quản lý và Thương mại điện tử.

Trường Đại học Kinh tế đã triển khai đào tạo theo CCĐT ở 5 chuyên ngành: Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Sự kiện, Quản trị Khách sạn, Thương mại Điện tử và Hệ thống Thông tin Quản lý. PGS.TS.

Trần Đình Khôi Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, trong mô hình đào tạo theo CCĐT, bắt buộc phải tăng thời lượng sinh viên được thực hành, thực tập và trải nghiệm tại các doanh nghiệp (ít nhất từ 30-50% thời gian học tập).

Trong hai năm qua, nhà trường đã nỗ lực phối hợp với doanh nghiệp, đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo không chỉ phù hợp khung chương trình chung mà còn bảo đảm tăng đáng kể thời lượng thực hiện chương trình đào tạo cho sinh viên tại doanh nghiệp (30% đối với ngành CNTT và 50% đối với ngành Du lịch).

Bằng uy tín và bề dày truyền thống gần 45 năm qua, trường đã phát triển thêm các mối quan hệ hợp tác, gắn kết với các tổ chức, hiệp hội (Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch thành phố...) và cộng đồng doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực hàng đầu của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên như tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí Sun World Ba Na Hills (Sungroup), khách sạn Minh Toàn Galaxy; các công ty du lịch lữ hành như Vietravel, Saigon Tourist, Vitours...; các tập đoàn nghỉ dưỡng tầm quốc tế như Furama Resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Hyatt Regency Danang...

“Điểm mấu chốt là trường được tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện và năng lực làm đối tác đồng hành tham gia đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp tổ chức cho sinh viên học tập, trải nghiệm trong môi trường thực tế của doanh nghiệp. Mô hình này không chỉ dựa trên quan hệ cung-cầu về nhân lực mà còn đòi hỏi hai bên thực sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng với vai trò đồng hành đào tạo sinh viên theo bám sát định hướng nghề nghiệp ứng dụng”, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên chia sẻ.

TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế đánh giá việc dạy và học từ trải nghiệm công việc thực tế là mô hình mà các sinh viên chuyên ngành quản trị du lịch sớm được tiếp cận; qua đó, hình thành nên thái độ, phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người lao động và nhà tuyển dụng.

Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy mô hình này đang đem lại nhiều lợi ích chung cho cả nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. Cụ thể, trường nắm bắt được nhu cầu nhân lực để điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh và chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; có thêm nguồn lực đào tạo là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của các doanh nghiệp.

Sinh viên được hưởng lợi nhờ có cơ hội được trải nghiệm, thực hành, thực tập trong môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ở giảng đường; được doanh nghiệp chủ động tiếp nhận, hướng dẫn và tạo điều kiện cho tiếp cận những công việc chuyên môn phù hợp; rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp tăng cao.

Về phía doanh nghiệp, không chỉ quảng bá được thương hiệu; chủ động được nguồn nhân lực theo nhu cầu, chiến lược dài hạn mà còn có thể tận dụng được sức trẻ và sự năng động của sinh viên tham gia đổi mới sáng tạo doanh nghiệp đồng thời thể hiện “trách nhiệm xã hội” với nhà trường và cộng đồng...

Theo TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Ban Đào tạo - ĐHĐN, kết quả tuyển sinh vào ĐHĐN năm 2019 cho thấy, các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW đối với hai lĩnh vực CNTT và du lịch đều có điểm trúng tuyển cao (từ 22 điểm trở lên).

Với chất lượng “đầu vào” được bảo đảm, các chuyên ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến, chất lượng cao, cơ chế đặc thù, chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp... sẽ là những yếu tố góp phần tạo nên vị thế cho ĐHĐN trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập với giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

Dự kiến, từ năm 2020, ĐHĐN sẽ tích cực đổi mới phương thức đánh giá năng lực để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiếp tục ổn định quy mô để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là hướng đi mới, đòi hỏi có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, ngành nghề liên quan.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.