Nỗi niềm giáo viên vùng núi

.

Hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS ở 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), đang lo lắng khi bị cắt mức trợ cấp thụ hưởng chế độ giáo viên miền núi trong năm học 2019-2020.

Việc cắt giảm tiền trợ cấp vùng cao gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của giáo viên các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Ninh. Trong ảnh: Một buổi học của học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc.
Việc cắt giảm tiền trợ cấp vùng cao gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của giáo viên các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Ninh. Trong ảnh: Một buổi học của học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc.

Ba cô giáo trẻ (xin giấu tên) quê tận tỉnh Quảng Bình, vừa tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học được ký hợp đồng giảng dạy tại Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Trước đây, các cô được nhận một khoản trợ cấp ưu đãi nhất định, bên cạnh hằng tháng sẽ có mức phụ cấp tăng thêm theo chế độ giáo viên vùng cao nên cuộc sống đỡ vất vả.

Tuy nhiên, theo quy định từ năm 2019, 3 cô chỉ nhận mức lương cơ bản theo hợp đồng, giống như đồng nghiệp ở dưới đồng bằng. “Với thu nhập 3 triệu đồng/tháng mà không có gia đình hỗ trợ thêm làm sao chúng tôi trang trải đủ sinh hoạt hằng ngày chứ chưa nói việc dành dụm phụ giúp ba mẹ già ở quê”, một cô nói.

Khác với 3 cô giáo trẻ, thầy T.V.V, sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp đại học ngành Toán bằng giỏi, vừa đậu biên chế ngành giáo dục huyện Hòa Vang, được phân công về Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc.

Thế nhưng thầy V. chỉ được nhận mức lương 2.1 (thay vì 2.34 theo bậc đại học). Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, đến nay cơ bản chỉ tiêu giáo viên của trường bảo đảm nhưng chỉ tiêu biên chế còn thiếu.

“Cách đây 2 năm, nhà trường đề nghị bổ sung 1 chỉ tiêu biên chế giáo viên Ngoại ngữ và dù phía huyện đã có chỉ tiêu này và phân công về trường nhưng bản thân giáo viên không chịu về. Năm nay, nhà trường có chỉ tiêu biên chế môn Địa lý nhưng cũng giống môn Ngoại ngữ, dù có người đậu biên chế được phân công về trường nhưng không chịu về”, thầy Vũ cho biết.

Toàn Trường THCS Nguyễn Tri Phương có 21 giáo viên, ngoại trừ thầy Hiệu phó Lương Mạnh Cư, người Hòa Bắc, còn lại gần 100% là từ các nơi khác đến công tác. “Sau khi bị cắt tiền phụ cấp vùng cao, các thầy cô rất tâm tư. So với vùng đồng bằng thì thực tế xã Hòa Bắc hiện rất khó khăn về đi lại, công tác. Ở đây cũng không thể tăng thêm thu nhập bằng việc dạy thêm hay mở các dịch vụ giáo dục khác như dưới trung tâm thành phố.

Thu nhập của các thầy giáo, cô giáo chỉ có lương. Việc bị cắt giảm như thế sẽ làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình giáo viên công tác ở đây”, thầy Vũ nói. Được biết, giáo viên và nhà trường đã có kiến nghị lên cấp trên, mong muốn có biện pháp tháo gỡ, giúp giáo viên an tâm công tác. Từ đầu năm, đã có vài giáo viên của trường xin chuyển sang trường khác mặc dù có thâm niên công tác tại trường.

Qua tìm hiểu, trước đây theo quy định của Trung ương về công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, huyện Hòa Vang có các xã Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Bắc nằm trong nhóm này.

Theo đó, giáo viên các bậc học đang giảng dạy tại các xã nói trên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi áp dụng cho xã miền núi với mức phụ cấp THCS hưởng 35%, tiểu học và mầm non được hưởng 50%. Tháng 9-2013, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBDT về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015.

Căn cứ quyết định này thì huyện Hòa Vang không còn là xã miền núi và chế độ phụ cấp đối với giáo viên giảng dạy tại 4 xã kể trên chỉ được hưởng phụ cấp như giáo viên các xã đồng bằng. Tuy nhiên, từ tháng 9-2013 đến tháng 12-2018, giáo viên 4 xã trên vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi áp dụng cho các xã miền núi.

Đến đầu năm 2019, UBND huyện Hòa Vang tạm thời điều chỉnh lại mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đang công tác tại các trường thuộc 4 xã nói trên. Theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang, hiện có trên 100 giáo viên ở 2 cấp tiểu học và THCS ở xã Hòa Phú và Hòa Bắc bị ảnh hưởng bởi việc cắt hỗ trợ vùng cao từ năm 2019. Ở các xã Hòa Liên và Hòa Ninh cũng trong tình trạng tương tự.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, thực hiện quy định cấp trên nên địa phương buộc phải thực hiện cắt giảm chế độ phụ cấp vùng cao cho giáo viên các xã nói trên. Từ thực tế khó khăn của giáo viên các xã này, UBND huyện đã kiến nghị lên thành phố có giải pháp tháo gỡ.

Được biết, đến nay UBND thành phố đã trình HĐND thành phố nghiên cứu tìm hướng hỗ trợ cho những trường hợp giáo viên như trên. “Trước mắt, UBND huyện sẽ điều chỉnh các khoản tiết kiệm chi để cuối năm tăng thêm hỗ trợ cho giáo viên các xã này nhằm giảm áp lực thu nhập để họ phần nào yên tâm công tác. Về giải pháp lâu dài thì phải chờ thành phố quyết định”, ông Bùi Nam Dũng nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.