Những gương mặt giáo dục "tuổi Tý" ghi dấu ấn ở cả trong nước và quốc tế

.

Họ là những tiến sĩ, PGS trẻ "tuổi Tý" (sinh năm 1984) không chỉ gây ấn tượng ở trình độ học vấn mà còn bởi nhiều nghiên cứu tạo ảnh hưởng ở tầm thế giới, được các tổ chức quốc tế vinh danh ghi nhận.

Nhà khoa học Việt Nam vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới: Trần Xuân Bách

Tháng 9/2019, tạp chí PLoS Biology mới công bố một danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Trong danh sách này có 3 nhà khoa học Việt Nam. Một gương mặt tuổi Tý xuất hiện trong danh sách này là PGS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng.

Nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu nhà khoa học và lọc ra tốp 100.000 người có ảnh hưởng, tương đương khoảng 1,4%.

PGS. TS Trần Xuân Bách.
PGS. TS Trần Xuân Bách.

PGS. TS Trần Xuân Bách xếp thứ 28.129 trong danh sách này. Anh là giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội. Anh là phó giáo sư trẻ tuổi nhất nước của Đại học Y Hà Nội năm 32 tuổi (năm 2016) và trở thành giáo sư của đại học y khoa danh tiếng John Hopkins của Mỹ khi chỉ mới 35 tuổi (năm 2019).

PSG.TS Trần Xuân Bách là người đầu tiên công bố quốc tế các đánh giá mang tính khoa học về tác động của việc lạm dụng sử dụng internet và mạng xã hội với sức khỏe thể chất, tâm thần và hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên Việt Nam.

Anh có số lượng nghiên cứu khoa học lớn: 30 bài báo khoa học (17 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SSCI, 33 bài báo khoa học (01 bài là tác giả, 06 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SCI, 25 bài báo khoa học (01 bài là tác giả, 14 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SCIE...

Năm 2009, Trần Xuân Bách học tiến sĩ tại Đại học Alberta (Canada), chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế. Với số điểm trung bình 4.0/4.0, nghiên cứu sinh người Việt Nam mang về tấm bằng loại ưu, giành giải thưởng cho báo cáo nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng INSIGHT, Đại học Alberta. Sau đó, anh tiếp tục học sau tiến sĩ tại đại học hàng đầu thế giới về Y tế công cộng - Johns Hopkins (Mỹ).

Viện Đại học Johns Hopkins giới thiệu rằng anh Trần Xuân Bách có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và chính phủ về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu ở Đông Nam Á.

Năm 2015, Trần Xuân Bách được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng. Anh sau đó trở thành phó giáo sư dự khuyết (Assistant Professor). Trước đó năm 2014, anh được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực châu Á của Hội đồng các Viện Hàn lâm quốc tế (IAP); tham gia giảng dạy chương trình lãnh đạo trẻ về y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế, chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức) năm 2015.

Người Việt lọt vào danh sách 10 nhà sáng chế tài năng dưới 35 tuổi: Nguyễn Đức Thành

Tạp chí MIT Technology Review của Viện công nghệ Massachusetts danh tiếng vừa thông báo danh sách 10 Nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi (Innovators Under 35) năm 2019 theo từng khu vực.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, danh sách này đã được lựa chọn từ hồ sơ của gần 200 ứng viên là các nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo và doanh nhân tài năng từ nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm Úc, New Zealand, Hong Kong, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1984), hiện đứng đầu một nhóm nghiên cứu về công nghệ y sinh và vật liệu y sinh của Đại học Connecticut (USA) là một trong 2 đại diện của Việt Nam trong danh sách này.

Tháng 9.2017, TS Nguyễn Đức Thành và các cộng sự đã công bố thành công kết quả nghiên cứu công nghệ này, sử dụng trong vắc xin cho trẻ. Công trình được đăng trên tạp chí Sience của Mỹ, một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, khiến cho các nhà khoa học Mỹ và các nước khác xôn xao.

Có khoảng 50 hãng tin trên khắp thế giới, trong đó có BBC, Fox… viết về công trình này như một sáng chế cực kỳ mới mẻ góp phần làm thay đổi y học thế giới. TS Thành đã dùng vật liệu chỉ tự tiêu trong y học để làm ra vỏ bọc vắc xin lại, kiểm soát thời gian tự tiêu của vỏ bọc để thuốc có thể nhả ra trong một thời điểm thích hợp cụ thể.

Công nghệ này giúp tất cả các loại vắc xin được lưu giữ trong một viên nang siêu nhỏ và chỉ cần một lần tiêm chích, không cần lặp lại nhiều lần như cách làm trước đây.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành.

Bên cạnh sáng chế trên, TS Nguyễn Đức Thành còn tập trung vào việc phát triển thiết bị đo và kiểm soát những áp lực tại những bộ phận bị thương bên trong cơ thể con người, cũng từ vật liệu chỉ tự tiêu

Với những đóng góp của mình, anh đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng dành cho nhà sáng chế trẻ tiên phong của Viện Y học quốc gia Hoa Kỳ (NIH Trailblazer Award for Young and Early Investigator 2017), Giải thưởng dành cho 1 trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc nhất trên thế giới do Hiệp hội các nhà sản xuất Hoa Kỳ (SME) trao tặng năm 2018 (2018 SME Outstanding Young Manufacturing Engineer Award).

Tiến sĩ tuổi 34 với 5 bằng sáng chế: Vòng Bính Long

Đầu năm 2019, Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 của Trung ương Đoàn công bố kết quả bầu chọn 10 gương mặt đoạt giải. Trong danh sách này, TS Vòng Bính Long (sinh năm 1984) - Giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM được bầu chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo.

Theo Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 TS Vòng Bính Long là gương mặt tiêu biểu có nhiều thành quả nghiên cứu ở lĩnh vực về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, bệnh ung thư.

TS Vòng Bính Long (giữa).
TS Vòng Bính Long (giữa).

TS Vòng Bính Long là tác giả của 18 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 15 bài thuộc danh mục Q1 và là tác giả của năm bằng sáng chế và hai chương sách tham khảo.

Trong đó phải kể đến hai hướng nghiên cứu chính của anh được công bố trên những tạp chí uy tín là “Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng” đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012 và Biomaterials năm 2015 và “Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch” được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials…

TS Vòng Bính Long lấy bằng tiến sĩ ngành Vật liệu sinh học (Đại học Tsukuba - Nhật Bản) năm 31 tuổi. Ngoài giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, năm 2018, anh được Trung ương Đoàn bình chọn là đại biểu tiêu biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và giải thưởng Quả cầu vàng.

Tiến sĩ Vòng Bính Long cho biết anh "bị cuốn hút khi có cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ Nano dùng trong Y học". Thế nên trong suốt những năm tháng ở Nhật Bản đến hiện tại, anh nghiên cứu về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, và cả bệnh ung thư.

Có nhiều thành quả nghiên cứu mà tiến sĩ Long đã đạt được ở lĩnh vực này, trong đó phải kể đến hai hướng nghiên cứu chính của anh được công bố trên những tạp chí uy tín là "Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng" đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012 và Biomaterials năm 2015; "Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch" được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.