Học sinh Đà Nẵng hoàn thành chương trình năm học 2019-2020 trước ngày 15-7

.

ĐNO - Tối 24-4, Sở GD-ĐT thành phố có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học ngoài công lập về việc tổ chức dạy - học sau thời gian nghỉ phòng, chống Covid-19.

Theo đó, học sinh, học viên các trường, trung tâm; học viên các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, dạy thêm - học thêm… đi học trở lại từ ngày 4-5; trẻ mầm non đi học trở lại từ ngày 11-5. Chương trình năm học 2019-2020 hoàn thành trước ngày 15-7.

Trước khi học sinh đi học trở lại, các trường, trung tâm, các cơ sở giáo dục mầm non, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, dạy thêm - học thêm… hoàn thành việc tổng dọn vệ sinh trường, lớp, sát khuẩn bề mặt (nền nhà, bàn học, bảng đen…); vệ sinh, sát khuẩn đồ dùng nhà bếp, nhà vệ sinh, đồ dùng cá nhân, đồ dùng dạy học… trước ngày 3-5 và trước ngày 10-5 đối với các cơ sở giáo dục mầm non. Các trường bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường như: nước uống, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng… theo quy định; các phương án bảo đảm sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khi học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT yêu cầu người dạy và người học không đến trường khi đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Người dạy và người học được đo thân nhiệt trước khi đến trường; nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên đường đến trường.

Khi học sinh đến trường, khuyến cáo phụ huynh, người không có nhiệm vụ không vào trong trường. Nhà trường bố trí người đón, giao nhận trẻ mầm non và học sinh tiểu học tại cổng trường; thực hiện việc đo thân nhiệt cho người dạy và người học; hướng dẫn, nhắc nhở người học đeo khẩu trang đúng cách; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; nhắc nhở người học không tụ tập đông người trong lúc chuyển tiết, ra chơi.

Về công tác chuyên môn, tổ chức rà soát các nội dung đã dạy học trên internet, dạy học trên truyền hình; đánh giá kết quả học tập của người học; xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, bảo đảm hiệu quả khi người học đi học lại. Tùy tình hình mỗi trường, tiếp tục thực hiện việc dạy học trên internet cùng với dạy học trên lớp để củng cố kiến thức cho người học, nhất là đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị tham gia các kỳ thi sắp đến.

Đối với giáo dục mầm non (GDMN): Phòng GD-ĐT các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở GDMN điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình; chủ động lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết, cốt lõi phù hợp với thời gian còn lại của năm học; điều chỉnh kế hoạch giáo dục để phù hợp với khả năng của trẻ trong nhóm lớp, giúp trẻ đạt mục tiêu, kết quả giáo dục theo chương trình GDMN.

Đối với giáo dục tiểu học, tổ chức dạy học các môn tự chọn, các tiết tăng cường một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn bắt buộc theo chương trình. Trong thời gian từ ngày 4 đến 9-5, các trường tiểu học không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể bắt đầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho học sinh từ ngày 11-5.

Đối với giáo dục trung học, việc kiểm tra, đánh giá, số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và định kỳ, giảm 1/3 số đầu điểm, bảo đảm yêu cầu của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 năm học 2019-2020.

Lịch kiểm tra học kỳ 2 năm học 2019-2020: Lớp 9 và lớp 12 theo đề chung của Sở GD-ĐT, tổ chức vào các ngày 16 đến 19-6. Các lớp còn lại tổ chức vào các ngày 23-6 đến 4-7. Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 (dự kiến) ngày 18,19 và 20-7. Các trường chủ động có kế hoạch hướng dẫn học sinh làm quen với dạng đề và cách làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.