Trường miền núi gặp khó khi dạy trực tuyến

.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố, những ngày qua, các trường học trên địa bàn tích cực triển khai dạy học trên internet theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến đối với các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang, đặc biệt tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú gặp nhiều khó khăn.

Việc dạy học trực tuyến đối với các trường tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Việc dạy học trực tuyến đối với các trường tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Trường tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang) đã tổ chức tập huấn việc dạy học trực tuyến cho toàn thể giáo viên theo từng nhóm để phòng, chống Covid-19. Thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 3 địa điểm, 433 học sinh, qua thống kê có 10% học sinh (khối 3 đến 5) có thể tiếp cận học qua internet, riêng học sinh khu vực thôn Phú Túc khó khăn hơn.

“Việc dạy học trực tuyến đối với trường sẽ khó mang lại hiệu quả, bởi dạy học phải có tính tương tác; trong khi đó điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn. Dù vậy, trường cũng nỗ lực để thực hiện theo chỉ đạo của ngành, đồng thời chú trọng hình thức gửi bài trực tiếp đến học sinh. Chúng tôi cũng mong dịch bệnh qua đi để các em trở lại trường, tổ chức giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài nghỉ học”, thầy Trần Minh Nghĩa chia sẻ.

Trường THCS Ông Ích Đường (xã Hòa Phú) có 270 học sinh của 4 khối (lớp 6 đến lớp 9), nhưng theo thống kê của nhà trường, chỉ có khoảng 25% gia đình học sinh có máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ việc học trực tuyến.

Để dạy trực tuyến cho học sinh, nhà trường đã tập huấn cho các giáo viên thực hiện trên các phần mềm, trong đó soạn, giảng bằng PowerPoint rồi đưa lên ứng dụng vnEdu Teacher (ứng dụng tiện ích dành cho giáo viên trên hệ sinh thái mạng giáo dục Việt Nam) và vnEdu Connect (ứng dụng tiện ích dành cho phụ huynh học sinh trên hệ sinh thái mạng giáo dục Việt Nam) của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để các em học tập. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục thông qua các kênh zalo, facebook, gmail, trang web của trường để các thầy cô đưa bài giảng lên cho phụ huynh tải về. Đối với các học sinh không thể học trực tuyến, nhà trường soạn bài giảng, liên hệ với tiệm photocopy để phụ huynh, học sinh đến nhận bài về học tập.

Trường tiểu học xã Hòa Bắc có 315 học sinh, trong đó có 78 học sinh dân tộc thiểu số, 8 học sinh khuyết tật học hòa nhập và 200/315 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên việc học trực tuyến là khó khả thi. Theo thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, hiện toàn trường chỉ có khoảng hơn 20% học sinh sẽ tiếp cận được việc dạy học trực tuyến. Vì vậy, nhà trường chủ yếu soạn bài giảng gửi theo hình thức truyền thống.

Theo thầy Thọ, quá trình soạn bài, nhà trường xác định mục tiêu bài dạy, trong đó phần hướng dẫn triển khai bài mới phải cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, đồng thời có đưa bài tập thực hành để học sinh tương tác. “Sau khi soạn bài, nhà trường in bài gửi về cho các trưởng thôn vào ngày thứ 2 để phát đến cho học sinh, đến ngày thứ 4 nhà trường nhận bài chấm.

Cạnh đó, nhà trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm sưu tầm các bài giảng có chất lượng của đồng nghiệp trên mạng internet để gửi về zalo, email cho các phụ huynh tải về cho học sinh học tập; giới thiệu các kênh ti-vi có dạy học trực tuyến để học sinh học”, thầy Nguyễn Thọ cho hay. Đây cũng là hình thức mà Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) triển khai trong thời gian đến...

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện, việc dạy học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn vì điều kiện kinh tế cũng như hệ thống đường truyền internet trên địa bàn còn nhiều hạn chế.

Thống kê mặt bằng chung cho thấy có khoảng 40% số học sinh toàn huyện có thể học được trực tuyến, song, đối với các trường tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh thì khó khăn rất nhiều. Vì vậy, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường phải nỗ lực, triển khai nhiều kênh khác nhau để dịch bệnh không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021: Kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển

Sở GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Theo đó, phương thức tuyển sinh năm học tới là kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Về thi tuyển, học sinh thi 3 môn gồm: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Hình thức thi: môn Ngữ văn, Toán theo hình thức tự luận, môn Ngoại ngữ theo hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Thời gian làm bài 120 phút (đối với Ngữ văn và Toán), 90 phút đối với môn Ngoại ngữ. Nguyên tắc xét tuyển, chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tham gia thi tuyển đủ 3 bài thi, điểm mỗi bài thi đều lớn hơn 0. Điểm chuẩn của mỗi trường ở nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 là bằng nhau.

Thí sinh được xét tuyển theo nguyện vọng 1 trước, nguyện vọng 2 sau. Xét theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Riêng học sinh dân tộc Cơ tu không được xét tuyển thẳng như những năm trước mà buộc phải tham gia kỳ thi tuyển sinh. Chỉ có 4 trường hợp được xét tuyển, gồm: học sinh là người dân tộc rất ít người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Bà Thẻn, La Hủ). Học sinh khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật do Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cung cấp.

Học sinh đoạt giải (cá nhân, đồng đội) cấp quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi, kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức như: Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS, THPT, Viết thư quốc tế UPU, Tin học trẻ, văn nghệ, thể dục thể thao được đăng ký tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT theo địa bàn quận, huyện học sinh đang học lớp 9 THCS.

Học sinh đang học chương trình tăng cường Tiếng Pháp tại Trường THCS Trưng Vương, Trường THCS Nguyễn Huệ xếp loại tốt nghiệp THCS loại khá trở lên, xếp loại công nhận tốt nghiệp Chương trình tăng cường Tiếng Pháp cấp THCS từ loại trung bình trở lên được xét tuyển vào lớp 10 tăng cường Tiếng Pháp tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Học sinh đang học tập tại các trường THCS thuộc địa bàn quận, huyện nào thì được đăng ký 2 nguyện vọng tuyển thẳng vào các trường THPT thuộc quận huyện đó, ưu tiên nguyện vọng 1 trước, nếu được tuyển thẳng theo nguyện vọng 1 thì không xét tuyển thẳng theo nguyện vọng 2.

N.P

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.