ĐNO - Trưa 20-7, 1.099 học sinh tham gia thi các môn chuyên, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật đã hoàn tất bài thi của mình. Theo nhận định của các thí sinh, đề thi môn chuyên rất khó nên sẽ ít có học sinh đạt điểm giỏi.
Học sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn chuyên. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Em Nhật Nam (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm), thi chuyên Toán, cho biết đề thi quá sức với mình. “Câu nào em cũng làm nhưng chưa chắc đúng. Em nghĩ mình được khoảng 3 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để em thử trình độ Toán học của mình”, Nhật Nam nói.
Trong khi đó, đề môn Sinh có cấu trúc 8 câu như năm 2019 nhưng theo các thí sinh, phải mất nhiều thời gian nghiên cứu mới làm được bài. Em Minh Ngọc (Trường THCS Lý Thường Kiệt) cho biết, nhiều câu có tính phân loại cao, trong đó đặc biệt là câu 7b, 8c. Những câu này học sinh xuất sắc mới có thể làm được.
Riêng đề thi môn Ngữ văn với bố cục 2 câu, trong đó câu 7 điểm, từ một ý kiến sau đó trình bày cảm nhận của thí sinh về chất trữ tình trong 2 đoạn trích tác phẩm “Tôi đi học” (Thanh Tịnh, Ngữ văn lớp 8) và “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long, Ngữ văn lớp 9).
Em Nguyễn Bảo Ngân (Trường THCS Nguyễn Công Trứ), từng đoạt giải 3 học sinh giỏi Văn cấp thành phố, nhận xét: “Đề thi môn chuyên Ngữ văn năm nay còn khó hơn đề thi học sinh giỏi cấp thành phố. Hai trích đoạn là tâm trạng của nhân vật ở 2 lứa tuổi khác nhau, 2 tác phẩm khác nhau nên sẽ khó xử lý, phân tích. Vì vậy, để đạt điểm 5, điểm 6 cũng rất khó, đừng nói điểm tốt hơn”.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, năm học 2020-2021, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tuyển sinh 300 chỉ tiêu (280 chỉ tiêu thành phố Đà Nẵng và 20 chỉ tiêu tỉnh Quảng Nam). Chỉ tiêu cụ thể các môn như sau: Toán: 60 học sinh; Ngữ văn: 25 học sinh; Vật lý: 50 học sinh; Lịch sử: 10 học sinh; Hóa học: 35 học sinh; Đia lý: 10 học sinh; Tin học: 20 học sinh; Tiếng Anh: 35 học sinh; Sinh học: 35 học sinh và Tiếng Pháp, Tiếng Nhật mỗi môn 10 học sinh.
NGỌC PHÚ