Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020), Báo Đà Nẵng ghi nhận những chia sẻ, mong ước của thầy cô giáo, những người hằng ngày đứng trên bục giảng, luôn tận tụy với sự nghiệp trồng người.
Nghề giáo rất áp lực, cần sự sẻ chia, đồng cảm từ phía phụ huynh và toàn xã hội. TRONG ẢNH: Một tiết học Tiếng Việt tại Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Cô giáo Trương Thị Phi, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà): Đề cao sự tôn trọng và tự trọng trong nghề giáo
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Cao quý, có lẽ bởi thầy cô không chỉ làm việc bằng chuyên môn mà còn bằng cả trái tim và nhân cách, vì vậy, xã hội cần dành cho nghề dạy học một sự tôn trọng thực sự. Sự tôn trọng đó, cần được hiện thực hóa trong điều kiện xã hội hiện nay, trước hết thông qua hai nội dung cơ bản.
Thứ nhất, thực hiện quy trình đào tạo nên những nhà giáo một cách chất lượng, bài bản và căn cơ. Trong đó, có việc quy hoạch, nâng cao chất lượng các trường sư phạm; bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp. Từ đó, tạo nên đội ngũ giáo viên giỏi, nhiệt huyết, có ý thức trách nhiệm với nghề.
Thứ hai, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho những người làm nghề dạy học thông qua các cơ chế, chính sách mang tính ưu đãi, đặc thù. Giáo viên phải nhận được mức lương đủ để họ toàn tâm, toàn ý dấn thân cho nghề nghiệp. Không thể có sự tôn trọng thực sự nếu đội ngũ những người làm nghề dạy học phải bươn chải, vắt kiệt sức làm những việc ngoài nghề, ngoài giờ… mới đủ mưu sinh. Cùng với đó, bản thân những người làm nghề dạy học cần tự đề cao lòng tự trọng đối với nghề. Bởi, nếu không rèn luyện và đề cao lòng tự trọng thì chính những người giáo viên sẽ đánh mất hình ảnh của mình, đánh mất sự tôn trọng của xã hội đối với nghề giáo. Theo tôi, đây là hai vấn đề cơ bản cần quan tâm đối với nghề dạy học và người giáo viên trong đời sống xã hội hiện nay.
* Cô giáo Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê): Đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ dạy học
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Bộ GD&ĐT nhìn chung nặng hơn chương trình hiện hành. Để dạy tốt chương trình, cần phải có điều kiện cơ sở vật chất đi kèm, như tivi, máy chiếu, màn hình tương tác. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học hiện nay chưa bảo đảm. Thời gian qua, Trường tiểu học Bế Văn Đàn đã tận dụng mọi cơ sở vật chất ưu tiên cho việc dạy lớp 1 nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu dạy và học theo chương trình mới. Nhiều em ngồi sau vẫn chưa thể nhìn rõ được hình ảnh khi cô chiếu trên màn hình tivi.
Hơn nữa, đồ dùng dạy học trong danh mục tối thiểu mà Bộ GD&ĐT ban hành vẫn chưa có, các cô giáo phải nỗ lực tự làm. Vì vậy, mong muốn của chúng tôi trong thời gian đến, ngành giáo dục cần đầu tư thiết bị dạy học như tivi, đồ dùng học tập, bảng tương tác giữa học sinh với giáo viên. Bởi, chương trình mới đòi hỏi giáo viên và học sinh phải tương tác rất nhiều trong khi hiện nay, mọi thao tác trên màn hình máy chiếu chủ yếu đều từ phía giáo viên, học sinh còn thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong thời đại 4.0.
Cô giáo Trần Thị Lệ Phúc, giáo viên Trường mầm non 19-5 dạy trẻ nhận biết các con vật thông qua máy chiếu hình ảnh. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Cô giáo Trần Thị Lệ Phúc, giáo viên Trường mầm non 19-5 (quận Hải Châu): Xã hội cần có cái nhìn đúng đắn về nghề giáo
Giáo viên mầm non luôn đi sớm, về muộn, học hỏi không ngừng để cập nhật những phương pháp giáo dục mới nhất với mong muốn giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn kỹ năng sống. Thời gian qua, nghề giáo phải chịu nhiều áp lực bởi một số ít “con sâu làm rầu nồi canh”; khi có một số ít những giáo viên trong ngành giáo dục nói chung và giáo viên mầm non nói riêng có suy nghĩ, hành động lệch lạc, phản giáo dục, cần lên án. Con số đó ít thôi nhưng dường như phụ huynh đang có cái nhìn quá khắt khe với giáo viên. Vì vậy, giáo viên mong rằng, gia đình và xã hội có cái nhìn thấu đáo hơn đối với nghề giáo, hiểu tấm lòng của cô giáo dành cho con trẻ để thông cảm, sẻ chia với giáo viên. Có như vậy, giáo viên mới có để phát huy hết tâm huyết của các cô dành cho đàn con - những học trò thân yêu của mình.
* Thầy giáo Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang): Cần chính sách để hỗ trợ
cho giáo viên vùng khó khăn
Hòa Bắc là địa bàn xa xôi của thành phố Đà Nẵng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến con cái mà chủ yếu đẩy trách nhiệm này lên vai người giáo viên. Trước đây, những chính sách hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại Hòa Bắc, Hòa Phú… còn giúp “người đưa đò” mặn mà để bám trường, bám lớp. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chính sách này không còn nên việc thiếu giáo viên tại các trường ở địa bàn xã Hòa Bắc diễn ra thường xuyên. Thực tế những năm qua, nhiều giáo viên khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo phân công về giảng dạy ở các trường, có giáo viên đi dạy chưa được 1 tuần đã xin nghỉ; cũng có giáo viên mong muốn có được công việc hợp đồng nhưng khi đi “thị sát” địa bàn đã phải bỏ cuộc ngay từ đầu...
Một điều cần bàn nữa là đồng lương của giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới ra trường quá ít ỏi, không đủ chi tiêu. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn khó khăn như xã Hòa Bắc, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm thực sự với chính sách dành cho giáo viên; đặc biệt, không thể đánh đồng giáo viên miền núi với giáo viên đồng bằng, thành phố. Thu nhập được bảo đảm sẽ giúp giáo viên “vững vàng” hơn với lựa chọn về các địa bàn khó khăn. Có như vậy, chất lượng giáo dục ở những địa bàn này mới được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của ngành.
NGỌC PHÚ thực hiện