Trong 4 bài thi tốt nghiệp THPT, Ngữ văn là môn duy nhất thi tự luận. Đây cũng là bài thi khó đối với nhiều học sinh. Để đạt điểm cao, các giáo viên chuyên ngành Ngữ văn chia sẻ một số “bí quyết” giúp học sinh ôn tập tốt.
Cô Nguyễn Thị Hạnh (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) hướng dẫn học sinh ôn tập môn Ngữ Văn. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Chủ động xây dựng bộ đề giúp học sinh ôn tập
Cô Nguyễn Thị Hạnh, tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết, hiện tại vẫn đang trong chương trình học kỳ 2 nên việc ôn tập được giáo viên lồng ghép vào các tiết dạy. Sau khi kết thúc chương trình học kỳ 2, giáo viên sẽ dành 100% thời gian để ôn tập cho học sinh.
“Để giúp học sinh đạt điểm tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, tổ Ngữ văn xây dựng đề minh họa để rèn và sửa trực tiếp cho học sinh”, cô Hạnh cho hay. Theo cô Hạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành bộ đề thi minh họa, giáo viên bám sát vào bộ đề thi minh họa của năm nay và những năm trước để ôn.
Ngoài việc ôn tập đại trà, giáo viên còn phân loại đối tượng học sinh ngay trong lớp mình dạy thành 2 nhóm dựa theo nhu cầu: Học để xét tốt nghiệp và học để xét tuyển đại học, qua đó lên kế hoạch ôn tập tốt hơn cho từng nhóm.
Ngay từ đầu năm học 2020-2021, tổ Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh xây dựng kế hoạch năm học của tổ chuyên môn, trong đó chú trọng việc dạy học và ôn tập cho học sinh lớp 12 theo từng nhóm đối tượng và theo hướng dẫn xây dựng chương trình của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, tổ bám sát các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT và của nhà trường, xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, giáo án dạy tăng cường, dạy học theo chủ đề và dạy học tự chọn ở các khối lớp. Mục đích cao nhất là để học sinh học tốt môn Ngữ văn, đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển đại học.
Theo cô Nguyễn Thị Diệu Trang, tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Phan Châu Trinh), tổ đã lên kế hoạch xây dựng ngân hàng đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với việc bám sát định dạng và cấu trúc đề chính thức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bộ đề minh họa được thẩm định và triển khai trong chương trình dạy học tự chọn và dạy học tăng cường ở các lớp 12, gắn với kế hoạch chung của nhà trường. Tổ Ngữ văn cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về dạy học và ôn tập cho học sinh lớp 12 nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp, đặc biệt chú trọng bảo đảm kiến thức và kỹ năng xử lý đề thi cho học sinh.
Em Nguyễn Thùy An (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) hiện đang tập trung ôn tập các môn để xét tuyển khối D cũng như thi tốt nghiệp THPT. Đối với môn Ngữ văn, em dành 2 buổi vào giữa tuần và cuối tuần để ôn tập (trong đó một buổi ôn tập lý thuyết, một buổi luyện đề).
“Em đang tập trung luyện các dạng đề Ngữ văn, trong đó bám sát các bộ đề thi minh họa và đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn các năm. Ngoài ra, em cũng học hỏi những anh, chị thi tốt môn Ngữ văn tại các kỳ thi trước để rút kinh nghiệm, phân bổ thời gian và cách luyện đề phù hợp”, Thùy An chia sẻ.
Phải nắm cấu trúc đề thi
Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Trần Phú) cho biết, để ôn tập và làm tốt môn Ngữ văn, các em cần nắm vững cấu trúc đề thi và những yêu cầu cụ thể của đề. Thông thường, đề thi môn Ngữ văn có hai phần chính: Phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm).
Phần đọc hiểu yêu cầu các em đọc văn bản và trả lời các câu hỏi theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng… Các em cần nắm được các biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, nội dung chính của văn bản… Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, các em nên trả lời ngắn gọn đúng theo yêu cầu, không dài dòng.
Đối với phần làm văn, thầy Nguyễn Đình Hòa cho biết gồm hai phần nhỏ là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị luận xã hội (2 điểm) chỉ yêu cầu viết đoạn văn, cần trình bày được cách hiểu của bản thân về vấn đề, nêu thực trạng để rút ra bài học hành động. Nếu có thể, nên kèm một đến hai dẫn chứng minh họa. Phần nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu viết bài văn có mở bài - thân bài - kết luận.
“Phải xác định được vấn đề cần nghị luận, nêu vài nét về tác giả, tác phẩm, phần cuối thân bài có đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật. Với các em học yếu thì nên đọc kỹ và tập tóm tắt các tác phẩm văn xuôi, nắm được ý chính của các tác phẩm thơ; bài viết cần rõ ràng, đúng chính tả, diễn đạt trong sáng. Đủ các yếu tố trên, bài văn sẽ đạt điểm tốt”, thầy Nguyễn Đình Hòa đúc rút kinh nghiệm.
Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Hạnh, những năm gần đây, tổ Ngữ văn Trường THPT Hoàng Hoa Thám luôn kết hợp ôn tập kỹ lưỡng, đồng thời tăng cường ôn tập kỹ năng thực hành cho học sinh bằng cách ra đề và cho học sinh trình bày các kết quả bài làm của mình để thầy cô sửa trực tiếp. Thầy cô cũng hướng các em tham khảo thêm các kênh ngoài việc học trên lớp...
Em Nguyễn Thị Trường Diễm (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) - học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp thành phố cho biết, học Ngữ văn trước hết phải nắm chắc tác phẩm và để viết tốt, các bạn phải học sâu về tác phẩm đó, tức là nắm chắc từng luận điểm.
Đối với nghị luận xã hội, cần lý lẽ và các dẫn chứng tiêu biểu trong cuộc sống, có tính chọn lọc, mang cá tính riêng. Với nghị luận văn học, các bạn có thể học thêm những dẫn chứng về lý luận văn học hoặc dẫn những câu nhận định phù hợp với yêu cầu của đề đưa ra để đạt điểm tốt hơn.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Về cơ bản, kỳ thi vẫn giữ ổn định như năm 2020. Theo đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi (3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn). Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi (2 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn). |
NGỌC PHÚ - MAI LY