Giáo dục
Mầm non ngoài công lập vượt khó
Mở cửa gần một tháng nhưng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ trẻ đến trường còn thấp. Giáo viên tiếp tục công việc tạm thời hoặc thay phiên nhau đứng lớp, cùng nhau vượt qua giai đoạn này.
Giáo viên mầm non ngoài công lập vẫn còn nhiều khó khăn dù trẻ đã trở lại trường. TRONG ẢNH: Một giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Thần Đồng Việt. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo nghề dạy trẻ hơn 20 năm nhưng cô P.H (giáo viên mầm non một nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê) lần đầu chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch đến công việc của mình. Hơn một tháng nay được trở lại với nghề, cô P.H không giấu được cảm xúc hạnh phúc.
“9 tháng ở nhà, cuộc sống của giáo viên mầm non bị đảo lộn, với giáo viên mầm non ngoài công lập thêm gánh nặng về vật chất. Bản thân tôi phải bán hàng online (sữa chua và nhiều mặt hàng ăn uống khác lấy từ quê vào) để kiếm thêm thu nhập. Do đó, trở lại trường không chỉ là niềm vui được gặp lại các cháu, được sống với nghề mà còn cải thiện đời sống”, cô P.H nói.
Cô Đ.T.T.D (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết: “Là giáo viên mầm non, lại có hai con nhỏ nên tôi hiểu việc ở nhà thời gian dài khá thiệt thòi cho trẻ. Dù vẫn gặp các con qua những buổi hướng dẫn kỹ năng, vui chơi bằng hình thức trực tuyến nhưng cả cô và trò đều muốn gặp nhau. Bên cạnh đó, cũng như nhiều giáo viên khác, tôi xoay xở đủ nghề trong thời gian chờ trường học mở cửa. Chúng tôi hy vọng phụ huynh cho con đến trường để bảo đảm sự giáo dục phù hợp độ tuổi cũng như tạo công việc cho giáo viên mầm non”.
Không chỉ giáo viên, các chủ trường, hiệu trưởng trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục đều phấn khởi khi trẻ mầm non được đến trường sau thời gian dài gián đoạn dù phía trước còn nhiều khó khăn.
Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non - Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu) chia sẻ, khi trường mở cửa bậc mầm non trở lại, giáo viên háo hức đi làm, ngày đầu tiên khá đông đủ. Tuy nhiên, độ tuổi bậc mầm non nhỏ, các cháu chưa được tiêm phòng vắc-xin, nhiều phụ huynh lo ngại nên tỷ lệ trẻ đến trường chỉ đạt khoảng 30%.
“Với tỷ lệ này, chúng tôi lại dư thừa giáo viên. Bây giờ cô nào đang bán hàng ăn, phụ quán hay có việc làm thêm để bảo đảm thu nhập như thời gian qua, chúng tôi động viên cố gắng duy trì. Nếu cô giáo nào khó khăn quá, chia nhau dạy từng tuần, cùng nhau chia sẻ, động viên vượt qua khó khăn”, cô Nga nói.
Tương tự, tỷ lệ trẻ đi học tại Trường Mầm non ABC (quận Sơn Trà) chỉ đạt khoảng 20%. Cô Thái Thị Minh Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo viên của trường làm đủ việc mưu sinh, một số bán hàng online, một số đưa cả gia đình về quê. Điều đáng mừng là các cô luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà trường. Giáo viên rất yêu nghề nhưng giai đoạn hiện tại phải chấp nhận vất vả thêm một thời gian. Chúng tôi chỉ mong dịch bệnh qua mau để trẻ đến trường, các cô sắp xếp công việc quay về trường tiếp tục nghề dạy trẻ”.
Được xem là trường có tỷ lệ trẻ đi học tương đối cao, khoảng 50% nhưng cô Nguyễn Như Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Đồng Việt (quận Hải Châu) không khỏi băn khoăn. Theo cô Như Quỳnh, với tỷ lệ này, nhà trường rất thuận tiện trong công tác chăm sóc trẻ và phòng, chống Covid-19 nhưng việc bảo đảm đời sống cho giáo viên là bài toán khó.
“Hiện số giáo viên trở lại công tác giảng dạy chiếm 70% tổng giáo viên toàn trường nhưng số lượng trẻ ít nên các cô thay phiên nhau dạy học. Với đội ngũ giáo viên hiện tại có thể đáp ứng đủ, thậm chí dư nhưng nếu trẻ đi học đầy đủ có thể thiếu giáo viên. 30% giáo viên còn lại đang ở quê hoặc dang dở công việc tạm thời trong giai đoạn nhà trường đóng cửa. Theo thăm dò của nhà trường, khi tình hình trẻ đi học đầy đủ trở lại, các cô sẽ sắp xếp trở về với công việc”, cô Quỳnh nói.
Cũng giống như các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố đang khắc phục khó khăn, nỗ lực mở cửa, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận phụ huynh và bảo đảm đời sống cho giáo viên của cơ sở. Nhóm trẻ AQua (phường An Khê, quận Thanh Khê) có hai cơ sở, khoảng 120-130 trẻ. Khi mở cửa vào ngày 21-2, trẻ đi học rất ít nên chủ nhóm là bà Đoàn Thị Dạ Ngân dồn trẻ hai cơ sở làm một.
Theo bà Ngân, xác nhận mở cửa giai đoạn này gặp khó khăn nhưng vẫn quyết tâm làm với hai lý do: chia sẻ gánh nặng kinh tế với giáo viên và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
“Trong thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, một số giáo viên của nhóm trẻ chuyển sang buôn bán, có cô phải ra tận cảng cá Thọ Quang lấy hàng về bán. Khuôn viên của cơ sở AQua trở thành chỗ trú tạm thời cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, phải đi ở trọ. Do đó, việc mở cửa nhóm trẻ giúp tạo việc làm cho các cô. Hơn nữa, nhu cầu gửi trẻ của một bộ phận phụ huynh là có. Trong thời gian các trường mầm non, nhóm trẻ dừng đóng cửa, họ buộc phải gửi con ở những nhóm trẻ tự phát, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của trẻ. Vì vậy, dù xác định không có lợi nhuận thậm chí lỗ nhưng tôi vẫn mở cửa và hy vọng tình hình sẽ lạc quan trong thời gian tới”, cô Ngân cho biết.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập của Trung ương, Đà Nẵng có Kế hoạch 135/KH-UBND ngày 19-7 của UBND thành phố, Thông báo số 121/HĐND-VHXH ngày 11-11, Công văn số 3611/VP-KGVX ngày 15-11 của Văn phòng UBND thành phố, Công văn số 3398/SLĐTBXH-CSTL về hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 năm 2021, trong đó có đối tượng giáo viên và nhân viên trường mầm non tư thục. |
NGỌC HÀ