Đà Nẵng cuối tuần

Chạy nước rút ôn tập

08:07, 20/03/2022 (GMT+7)

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ kiểm tra cuối học kỳ II để bắt đầu ôn thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10. Do ảnh hưởng dịch bệnh, trường học phải linh hoạt dạy học song song cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Tuy nhiên, theo các thầy, cô giáo, học sinh cuối cấp phải chạy nước rút ôn tập chứ không đợi ổn định mới học.

Các trường học đều ưu tiên tối đa cho học sinh khối 12, khối 9 học trực tiếp để vừa dạy - học kiến thức mới, vừa ôn tập cho những kỳ thi quan trọng sắp tới. Ảnh: H.T
Các trường học đều ưu tiên tối đa cho học sinh khối 12, khối 9 học trực tiếp để vừa dạy - học kiến thức mới, vừa ôn tập cho những kỳ thi quan trọng sắp tới. Ảnh: H.T

Tự học

Hoàng Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 12/1, Trường THPT Trần Phú cho biết, em đã tìm cách khắc phục những khó khăn của việc học trực tuyến trong một thời gian khá dài của năm học lớp 12 để có thể tập trung ôn luyện cho các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việc làm quen với nhiều dạng đề sẽ giúp thí sinh vừa củng cố, hệ thống lại kiến thức, vừa có nhiều kinh nghiệm để giải quyết tốt những câu hỏi có tính chất vận dụng, đòi hỏi có sự tổng hợp khi làm bài”, Tâm chia sẻ.

Theo Võ Hồng Hải Đăng, học sinh lớp 9, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê), việc học tập thỉnh thoảng chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em, mức độ tập trung không tốt lắm. Vì vậy, thầy, cô giáo đều nhắc nhở cần nâng cao tinh thần học tập. Với các môn dự kiến sẽ là môn thi vào lớp 10, các em được giao nhiều bài tập để rèn luyện kỹ năng làm bài.

Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) nhắn nhủ: Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm tiến độ dạy - học, các trường buộc phải linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, học sinh cuối cấp cần học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đấy, tham khảo các đề thi của những năm trước để luyện cũng như hoàn thành hệ thống các bài tập thầy, cô giáo giao chứ không thể chờ đợi đến lúc ổn định mới tiến hành ôn tập.

Trong khi đó, Hoàng Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) bày tỏ mong muốn đề thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới không quá khó, không đánh đố thí sinh.

“Đề khó thì khó chung, dễ cũng dễ chung, nên bạn nào muốn đỗ vào trường công lập thì cũng đều phải nỗ lực ôn tập. Nhưng tâm lý khi nhận đề thi mà khó quá thì cũng hơi căng thẳng. Em thích kiểu ra đề trao quyền lựa chọn cho học sinh như đề thi môn Ngữ văn năm học vừa rồi. Em nghĩ, với dạng đề đó, chúng em sẽ có tâm thế rất thoải mái khi làm bài vì mình được chọn tác phẩm yêu thích hoặc phù hợp với mức độ học của mình để làm”, Minh nói.

Không chủ quan

Cô Hồ Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho rằng, sẽ có nhiều học sinh lớp 12 sử dụng kết quả học bạ THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh đại học. Vì vậy, khi chưa dự thi tốt nghiệp THPT, có những em đã có “tấm vé” ở giảng đường đại học. Điều này sẽ tạo cho một bộ phận học sinh có tâm lý chủ quan ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu không tập trung ôn tập, các em rất dễ bị điểm thấp, thậm chí là điểm liệt ở những môn thi không phải là sở trường của mình.

Đang học lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh, Phạm Huỳnh Minh Danh cũng lo lắng trước các kỳ thi sắp tới. Theo Danh, các trường đại học dành nhiều ưu tiên cho tuyển sinh theo phương thức riêng, nên những bạn chọn xét tuyển vào các trường đại học thường lấy điểm đầu vào cao cần phải nỗ lực trong ôn tập.

Danh lý giải, các câu hỏi mang tính chất phân hóa thí sinh của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây chỉ tập trung vào khoảng 5-6 câu cuối. Muốn làm được những câu này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức và kỹ năng làm bài tốt thì mới có thể đạt mốc điểm trên 9.

HÀ TRẦN

.