Nỗi lo học đường

.

Tin tức về các vụ học sinh tử vong do té lầu khiến dư luận bàng hoàng. Có nhiều cách giải thích về những chuyện đau lòng này. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do áp lực từ cha mẹ vô tình tạo ra, cũng có ý kiến cho rằng chương trình học quá nặng, khiến học sinh luôn cảm thấy hụt hơi. Chắc chắn các ngành hữu quan sẽ có biện pháp phù hợp để cải thiện tình hình, nhưng trước hết phụ huynh cần phải có cái nhìn tỉnh táo và nghiêm túc hơn về mong muốn cho kết quả học tập của con em mình.

Tâm lý muốn con mình phải “hơn” các bạn, phải luôn xuất sắc trong các kỳ thi từ lâu trở thành căn cốt đòi hỏi của rất nhiều bậc cha mẹ. Thật ra, bản thân sự mong muốn này không có lỗi, ai làm cha mẹ mà không muốn con mình học giỏi, thi đâu đậu đó, để mỗi khi nghĩ về con là trong lòng nở nụ cười mãn nguyện. “Con hơn cha là nhà có phước” từ chỗ là sự đánh giá hợp lý cho sự phát triển tự nhiên của xã hội, của dòng họ, của gia đình trở thành áp lực cho chính các bậc cha mẹ. Đón con khi tan trường, câu hỏi đầu tiên của mẹ thường là “Hôm nay con được mấy điểm?”. Nếu con trả lời được 10 điểm thì đó là niềm vui không chi bằng, nhưng nếu 9 điểm thì câu hỏi tiếp thường là “Trong lớp có ai nhiều điểm hơn con không?”, và nếu trong lớp không ai hơn con thì mẹ mới yên tâm. Đấy chỉ là chi tiết nhỏ trong cuộc sống hằng ngày nhưng nói lên khát vọng của cha mẹ trong việc muốn con mình phải có kết quả học tập hơn người.

Kinh tế phát triển nên điều kiện học tập của con em cũng được tốt hơn nhiều. Tiếc rằng nhận thức về yêu cầu học tập chưa có sự thay đổi tương ứng. Việc tiến thân không chỉ duy nhất bằng con đường học xuất sắc và tốt nghiệp đại học hàng đầu, mà quan trọng hơn là sớm nhận ra khả năng thật sự của mỗi người và phát huy được khả năng đó. Thiên hướng vượt trội hay năng khiếu bẩm sinh của mỗi người thường không giống nhau, cha mẹ là người trước hết nhận ra và có đánh giá chính xác về năng lực học tập của con em mình. Không phải mọi trẻ em điều có thể trở thành thiên tài, giỏi một nghề nào đó cũng đủ cơ hội để thành công. Có lần, khi Lý Quang Diệu còn làm Thủ tướng Singapore đi Nhật Bản, trong lúc ngồi chờ tại khách sạn ở Tokyo, ông đưa giày cho người đánh giày tại sảnh đánh. Khi nhận đôi giày sạch bóng mướt, ông ghi lại trong hồi ký “Nhìn thái độ và kết quả làm việc người đánh giày, tôi hiểu vì sao nước Nhật làm ra sự thần kỳ”.

Ai có con đi học mới thấm sự vất vả học hành, phải oằn lưng với sách vở từ 6 giờ đến 23 giờ, có khi thức đến 1-2 giờ sáng không phải là chuyện lạ. Dĩ nhiên, một nền giáo dục tốt không thể từ một chương trình lạc hậu, nhưng lời than vãn chương trình giáo dục hiện nay quá nặng không phải là không có điều để suy ngẫm. Tiếc là sau những lần đổi mới và cải cách, những vấn đề của giáo dục vẫn đang là việc nóng, nhất là về chương trình và sách giáo khoa. Là phụ huynh, tôi không biết hết tính chất “nặng” hay “nhẹ” của chương trình giáo dục, chỉ thấy thực tế con của các bạn tôi khi du học thì nhàn nhã hơn học ở trong nước nhiều, không có cảnh phải suốt ngày chúi mũi vào học. Việc được chơi thể thao, được đi dã ngoại, được có những ngày nghỉ thú vị là chuyện bình thường. Có cảm giác chỉ đủ chuyên cần là có thể trở thành học sinh giỏi. Hơn nữa, có cái lạ là ở trung học, giỏi âm nhạc, bóng đá… cũng được đánh giá cao như giỏi Toán, Vật lý. Nói chung, tốt nghiệp đại học là đủ kiến thức và năng lực thực hành để đi làm.

Tôi thấm thía câu khẩu hiệu được treo ở các trường: “Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”. Làm sao để việc học của con em là công việc của niềm vui. Đừng để việc học trở thành áp lực mà khiến các em dại dột làm những chuyện đau lòng.

TRẦN THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.