Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học

.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, các nhà giáo linh hoạt ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong giảng dạy, kích thích sự hứng thú học tập trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Học sinh thành phố tham gia cuộc thi Robokids do Trung tâm Stem Square Đà Nẵng tổ chức năm 2021.  Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh thành phố tham gia cuộc thi Robokids do Trung tâm Stem Square Đà Nẵng tổ chức năm 2021. Ảnh: NGỌC HÀ

Những giờ học thú vị

Nhiều năm qua, giáo viên toàn thành phố miệt mài thiết kế bài giảng điện tử E-learning với mục tiêu mang lại sự hứng khởi cho người học. Giờ dạy của cô giáo Trương Thị Bích Thảo (lớp 5/1, Trường Tiểu học, THCS-THPT Skyline) luôn được học sinh mong chờ bởi sự sinh động, lôi cuốn. Trong cuộc thi Thiết kế giáo án E-learning năm 2021, cô Thảo đoạt giải Ba cấp trường và giải Nhất cấp thành phố.

Cô Thảo chia sẻ, thiết kế nhiều bài giảng điện tử E-learning, nhưng cô tâm huyết nhất là bài giảng được thiết kế năm 2021 về môn Lịch sử với chủ đề “Khúc tráng ca Bạch Đằng Giang”. Chủ đề này gồm 3 bài học xoay quanh những trận chiến lẫy lừng của dân tộc trên sông Bạch Đằng, bao gồm: “Chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo năm 938”, “Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất năm 981” và “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên”. Trong đó, bài giảng ấn tượng nhất chính là “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên” được thiết kế dựa trên phần mềm Ispring Sute 10, gồm phần hình thành kiến thức và phần thực hành. Bài giảng có âm thanh, hình ảnh phong phú và lôi cuốn, nên khi trải nghiệm bài học học sinh không những thích thú mà còn chăm chú theo dõi.

“Vì sao tôi chọn lịch sử để thiết kế? Bởi lịch sử là một môn học dường như chưa làm tròn sứ mệnh của mình trong nhà trường. Các em học sinh tiếp cận lịch sử một cách nhàm chán và khô khan. Tôi muốn thông qua bài giảng E-learning, kích thích các em sự ham thích và yêu lịch sử dân tộc, để từ đó giáo dục các em tình yêu đất nước và ý thức trách nhiệm với non sông. Tôi chưa bao giờ chứng kiến các em học sinh của mình tìm hiểu lịch sử một cách say mê đến vậy sau khi trải nghiệm bài giảng của tôi. Các em thích thú, tò mò và dõi theo từng nhịp giảng trong bài giảng đó. Sau khi học xong các em còn tự mình tìm hiểu thêm những câu chuyện, những vị anh hùng tài ba của dân tộc như: Yết Kiêu, Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Ngô Quyền, Lê Đại Hành…; các em vẽ truyện tranh, thiết kế sơ đồ tư duy về cuộc đời và con người của họ. Đó là một thành công mà giáo viên nào cũng muốn hướng đến trong công tác giáo dục, giúp học sinh có hứng thú và đam mê trong học tập là sứ mệnh cao cả của một nhà giáo”, cô Thảo bày tỏ.

Có thể thấy, trong thời điểm học trực tuyến do ảnh hưởng Covid-19, bài giảng E-learning đã giúp sự tương tác giữa giáo viên và học sinh tốt hơn. Học sinh có thể tự học ở nhà và chủ động thời gian học mà không cần phải học tập trung. Giáo viên nhận được phản hồi tương tác của học sinh qua email cá nhân rất thuận tiện cho việc đánh giá.

Cô Trương Thị Thu Trang (giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà) cũng là người truyền cảm hứng cho học sinh qua từng giờ học. Theo cô Trang, việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng đều có cách xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học.

Trong nhiều năm qua, cô Trang mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học theo hướng đổi mới để học sinh thật sự yêu thích bộ môn Lịch sử. Chẳng hạn, đối với những tiết dạy bài mới, thay vì kiểm tra bài cũ theo phương pháp truyền thống hỏi - đáp trên bảng, mỗi tiết chỉ kiểm tra được 2 - 3 học sinh, thì nay cô thay bằng cách tổ chức trò chơi theo nhóm. Tất cả các học sinh đều được củng cố lại kiến thức, đồng thời hình thành kĩ năng làm việc tập thể trong các trò chơi đó. Điểm số lúc này không còn quan trọng, điều làm được ở đây chính là giáo viên có thể đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức cũ, đồng thời tạo một tâm thế hào hứng khi chuẩn bị tiếp thu bài mới.

Nâng cao chất lượng dạy học

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” cấp thành phố được triển khai nhiều năm qua là một trong những hoạt động góp phần cùng với các hình thức, phương pháp dạy học truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục. Hằng năm, sở tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề cấp thành phố về đổi mới phương pháp dạy học, tập trung trao đổi các hình thức dạy học phát triển năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập của học sinh nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS–THPT Skyline trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường Tiểu học, THCS–THPT Skyline trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Hầu hết giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, giáo dục kĩ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được phát huy và triển khai thực hiện tốt ở các trường học. Các trường đã đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học. Tất cả các trường đều trang bị sóng wifi mạnh, trang bị thêm tivi, máy tính xách tay để giáo viên sử dụng dạy học trực tuyến.

Thực hiện đổi mới phương pháp, tạo phong trào thi đua dạy và học; học sinh tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức để hình thành và phát triển năng lực. Đồng thời, tăng cường việc triển khai dạy học bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế, tự đánh giá bản thân và tham gia đánh giá bạn qua hoạt động trải nghiệm và lồng ghép trong tất cả các môn học khác; chú trọng đến việc dạy học phân hóa đối tượng và phát huy năng lực học sinh. Qua đó, giúp học sinh tăng thêm vốn hiểu biết, nhận thức để áp dụng vào sinh hoạt hằng ngày.

“Ngành giáo dục thành phố tích cực thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, vận dụng những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học”, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố thông tin.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.