Đổi mới giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin

.

Những năm qua, đặc biệt là hai năm ảnh hưởng do Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo các nhà quản lý giáo dục, đây là cơ sở, động lực để toàn ngành đổi mới giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin.

Các đại biểu là lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, đại diện Microsoft Việt Nam... ấn nút khởi động Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022 -2023.
Các đại biểu là lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, đại diện Microsoft Việt Nam... ấn nút khởi động Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022 -2023.

Vận dụng linh hoạt các ứng dụng của Microsoft

Giai đoạn ảnh hưởng Covid-19, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng tổ chức dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng, trong đó có Microsoft Teams, Office 365 và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Trong năm 2020, 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã phối hợp với Microsoft để tổ chức tập huấn và tạo tài khoản cho gần 500 nghìn tài khoản để cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng Office 365 và các ứng dụng phục vụ dạy học trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams. Đến nay đã cấp hơn 16.500 tài khoản cho giáo viên và cấp hơn 256.000 tài khoản cho học sinh sử dụng Office 365.

Giáo viên rất tích cực sử dụng các phần mềm hỗ để tổ chức dạy học, nhất là trong giai đoạn dạy học trực tuyến khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh Covid-19; các trường học chủ động trong việc sử dụng phần mềm, hệ thống để tổ chức dạy học trực tuyến như Microsoft Teams.

Vinh danh các trường học điển hình Microsoft năm 2022-2023.
Vinh danh các trường học điển hình Microsoft năm 2022-2023.

Điển hình Trường Tiểu học-THCS-THPT Sky-Line nhanh chóng tiếp cận bộ công cụ Office 365 và xây dựng kế hoạch triển khai mô hình Trường học điển hình Microsoft. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên nhà trường không ngừng tư duy, đổi mới để vào guồng công nghệ. Hiện nay, toàn bộ giáo viên nhà trường tham gia học tập và đạt được chứng nhận Giáo viên sáng tạo (Microsoft Innovative Educator - MIE). Thầy Cao Thanh Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Sky-Line Hill (thuộc Hệ thống Giáo dục Sky-Line), trở thành MIE trong năm 2021 chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ trong dạy học đòi hỏi giáo viên không ngừng sáng tạo và thực hiện các dự án, bài dạy linh hoạt, tăng tính tương tác. Không những thế, việc quản lý lớp học, công việc ngoài giảng dạy cũng thuận lợi hơn nhiều.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết thêm: “Nhờ Microsoft Teams chúng tôi mới triển khai được công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên, nếu không có Teams không thể truyền tải một khối lượng lớn kiến thức chuyên môn từ ban tổ chức đến giáo viên cốt cán đến giáo viên đại trà. Rồi việc dạy và học thông qua Microsoft Teams đã phát huy được hiệu quả. Do đó, hai năm 2020, 2021 dù ảnh hưởng Covid-19, học sinh học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp nhưng ngành giáo dục thành phố hoàn thành đúng tiến độ năm học theo kế hoạch”.

Bên cạnh tổ chức dạy học, Sở GD&ĐT đã triển khai tập huấn cho cán bộ giáo viên sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học, thiết kế bài giảng điện tử để thầy cô có thể tạo các bài giảng có âm thanh, hình ảnh, thí nghiệm ảo để tiết học sinh động, xây dựng các tiết học trực tuyến và tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (tiền thân của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT - E2).

Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, có 2.812 thầy cô giáo tham gia dự thi cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp thành phố, trong đó có 2.003 bài giảng đoạt giải (528 giải nhất, 868 giải nhì, 478 giải ba, 129 giải khuyến khích), các sản phẩm đoạt giải cao đã được Sở GD&ĐT đưa lên mạng để học sinh có thể tham khảo và tham gia học trực tuyến. Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp quốc gia năm học 2021-2022, thành phố Đà Nẵng có nhiều thầy cô đoạt giải cao, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích, 5 giải phong trào và 1 Giải ý tưởng sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Theo ông Mai Tấn Linh, giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, việc đổi mới phương pháp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học, trong quản lý được ứng dụng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi đại dịch đã qua, những dư âm, những sản phẩm, kinh nghiệm có được trong quá trình lăn lộn ứng phó với dịch bệnh vẫn còn trong giáo viên, học sinh để tiếp tục triển khai trong thời gian gần đây. “Dù đại dịch đã đi qua nhưng chúng ta cũng cần có những nội dung học tập chuyển qua dạy học trực tuyến. Các giáo viên, nhà trường vẫn tiếp tục song hành, bằng một kênh nào đó chúng ta truyền tải nội dung muốn gửi cho học sinh qua bài giảng trước, trên lớp chỉ thảo luận, chỉ nói trọng tâm nhất của bài học chứ không dạy từ đầu đến cuối. Đó là điều các trường cần thay đổi. Trong giờ dạy, ứng dụng CNTT càng nhiều càng tốt nhưng tổ chức sao cho giáo viên làm việc ít nhất, học sinh làm việc nhiều mới thành công. Có những nền tảng trao đổi online như Microsoft Teams, Zalo, Facebook, nơi đây ta chuyển thông tin nội dung bài học rồi dành thời gian trao đổi, giao tiếp...”, ông Linh bày tỏ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn ngành giáo dục

Ngày 31-10, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã cùng đồng hành với Microsoft Việt Nam tổ chức lễ phát động Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022-2023. Theo TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, gần 10 năm trước, Bộ GD&ĐT đã cùng đồng hành với Microsoft Việt Nam tổ chức cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và tự hào đã tạo nên những thầy cô giáo - những chuyên gia sáng tạo “mùa đầu”, gây dựng phong trào học tập, sáng tạo miệt mài của các thầy cô giáo trên cả nước. Sau gần 10 năm, Bộ GD&ĐT tiếp tục đồng hành với Microsoft Việt Nam tổ chức cuộc thi ấy với một tâm thế mới, diện mạo mới - là Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022-2023.

“Diễn đàn năm nay với định hướng là chương trình Chuyển đổi số quốc gia, lấy giáo dục là 1 trong 8 mũi nhọn tập trung, việc thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đòi hỏi được nâng lên một tầm cao mới, đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mới trong bối cảnh sự thay đổi và cập nhật chương trình giáo dục phổ thông mới 2018”, Cục trưởng Vũ Minh Đức chia sẻ.

Cùng với hưởng ứng diễn đàn, ngành giáo dục các tỉnh, thành trên cả nước cũng quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn ngành giáo dục. Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, ngành giáo dục đang thực hiện 2 chương trình giáo dục trong nhà trường: chương trình giáo dục 2006 dành cho lớp 4, 5 (Tiểu học), 8, 9 (THCS), 11, 12 (THPT); đồng thời sử dụng chương trình mới 2018 cho một số lớp còn lại. Quả thật, các trường bây giờ “đầu tắt mặt tối”, giảng dạy một lúc hai chương trình không dễ dàng. Tuy nhiên, sắp tới, ngành giáo dục sẽ khuyến khích các trường quyết liệt hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới giáo dục, xây dựng mô hình trường học điển hình Microsoft; ngày càng cải thiện được hình ảnh của nhà trường cả về quản lý, dạy học.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khối Doanh nghiệp và Chính phủ, Microsoft Việt Nam phát biểu tại lễ phát động Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022 -2023.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khối Doanh nghiệp và Chính phủ, Microsoft Việt Nam phát biểu tại lễ phát động Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục trên nền tảng CNTT năm 2022 -2023.

Về phía Microsoft, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khối Doanh nghiệp và Chính phủ, Microsoft Việt Nam cho rằng để có những chương trình thành công như Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Giáo dục hay mô hình Trường học điển hình,  Microsoft luôn có sự đồng hành hỗ trợ rất lớn  từ các cấp bộ, cục, và  sở giáo dục địa phương. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ thông tin toàn diện trong giáo dục đòi hỏi  nhiều hơn thế. Thước đo hiệu quả đầu tư trong ngành giáo dục chính là thước đo về con người và phải qua rất nhiều năm. Đó là thách thức khó khăn nhất với các nhà quản lý giáo dục.

“Đầu tư công nghệ cho giáo dục chính là để phục vụ cho xu hướng phát triển tất yếu về giảng dạy và học tập. Đổi mới trong giáo dục không chỉ là việc thay vì đến lớp ta sẽ ngồi học từ xa, mà còn là việc ứng dụng công nghệ như thế nào để thay đổi công tác quản lý, vận hành và giảng dạy học tập”, ông Phùng Việt Thắng nói.

P.V

;
;
.
.
.
.
.