Giáo dục
Những kỳ vọng cho năm học mới
Hôm nay (5-9), hòa cùng không khí của cả nước, hơn 290.000 học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố bước vào năm học mới 2023-2024. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh với những kỳ vọng về một năm học mới có những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
* Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục
Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học 2023-2024, các địa phương, cơ sở giáo dục toàn thành phố triển khai rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp; ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị dạy học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 4, 8, 11; bảo đảm không có học sinh, học viên thiếu sách giáo khoa, dụng cụ học tập khi bước vào năm học mới; vận động hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn đột xuất không đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế. Nhằm bảo đảm giáo viên cho các trường học, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, cho phép tăng 537 chỉ tiêu hợp đồng lao động cho các đơn vị sự nghiệp công lập năm học 2023-2024. Cụ thể, Sở GD&ĐT được tăng 58 chỉ tiêu hợp đồng lao động; các quận, huyện tăng 479 chỉ tiêu hợp đồng lao động.
Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường bảo đảm 100% học sinh khối lớp 1, 2, 3, 4 được học 2 buổi/ngày. Như vậy, năm học này, toàn thành phố có 96,97% học sinh học 2 buổi/ngày (quận Liên Chiểu đạt 80,7%; Cẩm Lệ đạt 98,06%, các quận, huyện còn lại đạt 100%).
Sở GD&ĐT hướng dẫn và giám sát các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi tài chính; công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Các cơ sở giáo dục ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định; trong đó, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học. Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT triển khai đúng, đủ các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND thành phố đến các cơ sở giáo dục; nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đạt nhiều thành tựu hơn năm học trước.
* Cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu): Tăng cường đầu tư trường lớp
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã trải qua 3 giai đoạn đầu tư; tuy nhiên do tốc độ tăng dân số cơ học trên địa bàn nhanh nên luôn trong tình trạng quá tải. Năm học 2023-2024, nhằm bảo đảm cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các khối 1, 2, 3, 4 của nhà trường đều được học 2 buổi/ngày; nhưng khối lớp 5 chỉ học 1 buổi/ngày. Do đó, mong muốn lớn nhất của nhà trường là các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà trường ở giai đoạn 4 gồm xây mới khối phòng học bộ môn 3 tầng: tầng 1 sân chơi đa năng; tầng 2, 3 bố trí 8 phòng học bộ môn; xây mới nhà đa năng; cải tạo tầng 1 khối 3 tầng hiện trạng, cải tạo tường rào; trang thiết bị dạy học… Dự kiến dự án thi công trong tháng 8-2023 và hoàn thành đầu năm 2024. Nếu thực hiện theo tiến độ đề ra thì mới bảo đảm tất cả khối lớp được học 2 buổi/ngày.
* Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu): Giảm hội thi, tăng phụ cấp cho giáo viên hợp đồng
Năm học 2023-2024, giáo dục mầm non đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục kỹ năng sống và giáo dục lễ giáo cho trẻ. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi mong muốn giảm bớt các hội thi mang tính hình thức để giáo viên, nhà trường có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, tổ chức các hoạt động chất lượng cho học sinh, phát triển giáo dục theo chiều sâu. Đồng thời, thành phố cần xem xét, có hướng tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng đang làm tại các trường mầm non về chế độ, chính sách, tiền lương để họ tiếp tục yên tâm cống hiến, gắn bó với nghề.
* Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang): Tạo điều kiện cho giáo viên vùng xa
Tôi là giáo viên ngoại tỉnh, đây là năm thứ hai công tác tại Trường Tiểu học Hòa Bắc. Tháng 4-2023, các ngành chức năng đã bàn giao công trình nhà lưu trú dành cho giáo viên xã Hòa Bắc, từ năm học này, chúng tôi có được một chỗ ở an toàn để yên tâm công tác. Chúng tôi kỳ vọng có thêm các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho giáo viên ngoại tỉnh; chính sách thu hút nhiều hơn những giáo viên đến công tác tại địa bàn Hòa Bắc. Đồng thời, xã Hòa Bắc là một xã đặc biệt khi có các em học sinh dân tộc Cơ tu nên kỳ vọng ngành giáo dục phối hợp địa phương sẽ có thêm nhiều hoạt động, chính sách nhằm bảo tồn và phát triển những nét đặc trưng riêng văn hóa của đồng bào Cơ tu.
* Em Trần Văn Phát, học sinh lớp 12, Trường THPT Ngũ Hành Sơn: Cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh chọn nghề
Bước vào năm học mới, em cảm thấy háo hức và vui mừng vì được đến trường gặp lại thầy cô cùng các bạn. Em sẽ nỗ lực, cố gắng học tập để đem về kết quả thật tốt, trước hết là cho bản thân và sau nữa là không phụ lòng thầy cô, cha mẹ. Trong năm học cuối cấp 3 này, em hy vọng trường sẽ tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh vì hiện nay em khá lúng túng trong chọn nghề. Ngoài ra, em mong muốn nhà trường tổ chức nhiều sân chơi bổ ích sau giờ học để các bạn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trước khi chia tay ngôi trường gắn bó suốt 4 năm học.
* Chị Phan Thị Lễ Diễm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn): Mong môi trường học tập thật tốt cho các cháu
Con tôi năm nay vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (phường Hòa Hải). Bắt đầu sinh hoạt ở môi trường mới còn nhiều bỡ ngỡ, tôi hy vọng con sẽ hòa nhập tốt, có nhiều niềm vui cùng thầy cô và bạn bè. Bên cạnh việc dạy chữ, mong nhà trường chú trọng rèn cho các cháu nền nếp, biết yêu thương, sẻ chia với bạn bè. Ngoài ra, tôi mong muốn trường sẽ tổ chức thêm những buổi sinh hoạt ngoại khóa để con cùng các bạn có nhiều thời gian vui chơi, giải trí, tìm hiểu thế giới xung quanh.
Tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, vui tươi Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường được tổ chức trên toàn thành phố vào lúc 7 giờ 15, ngày 5-9 và kết thúc trước 8 giờ (tối đa 45 phút), kể cả những trường thành lập mới. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn; tập trung vào các hoạt động gồm: đón học sinh đầu cấp; chào cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới; phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng nhà trường, đánh trống khai trường. Ngoài ra, tổ chức một số tiết mục văn nghệ xen kẽ phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới. Sau khi lễ khai giảng kết thúc, tất cả đơn vị, trường học tổ chức dạy học theo thời khóa biểu của đơn vị. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. |
NGỌC HÀ - PHI NÔNG thực hiện