Giáo dục
Cần làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp?
ĐNO - Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh đào tạo nghề với việc mở đa dạng các ngành nghề, trong đó có nhiều ngành, nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Học viên lớp Công nghệ Ô-tô chăm chú theo dõi thầy giáo hướng dẫn các nội dung thực hành trong tiết học tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. |
Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện có quy mô đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với đủ các ngành nghề mà thị trường cần như: Công nghệ Ô-tô, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, Đồ họa đa phương tiện; May thời trang, Nghiệp vụ nhà hàng…
Thầy Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh, đa dạng hóa hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh để người học biết đến nhà trường nhiều hơn.
“Chúng tôi đã phối hợp tốt với các trường học trên địa bàn thành phố để tổ chức nhiều ngày hội tư vấn tuyển sinh nhằm giúp các em nắm bắt được các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo cũng như những ngành nghề thị trường cần”, thầy Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong các giờ chào cờ hàng tuần hay các buổi họp phụ huynh, các trường cũng đã lồng ghép những thông tin cần thiết về giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp để giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân.
Ngoài ra, thông qua các kênh trực tuyến như: Website, Facebook, Google, Zalo, nhiều ngành nghề đào tạo, chính sách hỗ trợ của nhà trường cũng được đăng tải một cách rõ ràng, cụ thể.
Được biết, hiện nay, thành phố có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Với quy mô tuyển sinh gần 75.000 học sinh, sinh viên với 286 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau, các cơ sở đào tạo nghề đã tích cực đẩy mạnh tuyển sinh nhằm phân luồng học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh cũng như nhu cầu xã hội. Qua đó, góp phần điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển mới hơn 32.000 học sinh, sinh viên. Quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề thương mại dịch vụ chiếm chủ yếu với 70,26%, quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề công nghiệp xây dựng chiếm 28,57% và quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 1,17%.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS rất cần thiết, giúp các em có thêm kiến thức, thông tin để định hướng nghề nghiệp của mình. Để đạt được điều đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện để triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố”, ông Hoàng cho biết.
Ông Hoàng cho biết thêm, thành phố sẽ triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, đặc biệt là đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 6 ngành mũi nhọn.
HÀ MINH - T. DUYÊN