Đà Nẵng cuối tuần

Tô lại màu văn

09:15, 14/01/2024 (GMT+7)

Để học sinh hiểu hơn về giá trị văn chương, các giáo viên thuộc tổ xã hội, Trường THPT FPT đã tổ chức workshop mang tên “Tô lại màu văn”, qua đó, hướng dẫn học sinh cách viết một bài văn, nuôi dưỡng cảm xúc và tình yêu dành cho văn học.

Workshop
Workshop "Tô lại màu văn" giúp học sinh nuôi dưỡng tình yêu văn học. Ảnh: T.N.Đ

Đổi mới phương thức dạy, học văn trong khối THPT được ngành giáo dục triển khai từ năm 2022, buộc giáo viên, học sinh phải thay đổi phương thức dạy và học, vận dụng, trình bày, thảo luận, rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói nghe, cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề đọc sách cũng như sự quan tâm đến cảm thụ, sáng tác văn chương chưa được xã hội quan tâm đúng mức. Nhiều học sinh, phụ huynh, thậm chí giáo viên vẫn coi trọng các môn tự nhiên so với các môn xã hội. Có nhiều quan niệm vẫn cho rằng chỉ số thông minh (IQ) được đánh giá cao mà chưa đánh giá hết tác dụng của trí thông minh xúc cảm (EQ).

Cô Phùng Thị Loan, Giám đốc điều hành Trường THPT FPT chia sẻ, trong bối cảnh xã hội hiện nay, gia đình cần quan tâm hơn đến các kỹ năng mềm như giao tiếp, tạo lập mối quan hệ, kỹ năng viết, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật vì đó là những điều cần thiết cho công dân của xã hội số. Tạo lập cho con em mình nền tảng về văn hóa, bồi đắp giá trị để con người phát triển toàn diện, mà trong đó văn học, phát triển về ngôn ngữ là khía cạnh quan trọng để hoàn thành các kỹ năng này. Người viết văn có thể không dạy văn nhưng có kỹ năng về ngôn ngữ, kết hợp với óc quan sát, trí tưởng tượng và sự logic trong nghệ thuật sắp đặt các con chữ để tạo nên tác phẩm có thông điệp truyền tải, mang dấu ấn cá nhân tác giả.

Chương trình workshop "Tô lại màu văn" dành phần lớn thời gian hướng dẫn học sinh cách cảm thụ tác phẩm văn học và viết câu sao cho đúng ngữ pháp, ngôn ngữ, cấu trúc, chính tả, sau đó mới phát triển ý tứ, cảm xúc. Ngoài ra, học sinh còn tham gia các trạm sáng tác, trạm phê bình, trạm đồng điệu. Mỗi trạm, các em sẽ được giáo viên, diễn giả đóng góp ý kiến để hoàn thiện tác phẩm của mình.

Theo cô Phùng Thị Loan, nhiều nội dung thú vị được các em đưa ra thảo luận như chất liệu sáng tác của nhà văn, cách học văn hiệu quả, làm sao cảm thụ sâu một tác phẩm văn học hay làm thế nào để theo con đường viết lách chuyên nghiệp… Kết thúc buổi trao đổi, mỗi học sinh đều có “tác phẩm” mang dấu ấn cá nhân, được diễn giả góp ý và những sản phẩm này sẽ được đăng tải lên trang mạng xã hội của trường, bình chọn và trao giải. Có thể nói, qua workshop, học sinh hiểu rằng để viết hay, đầu tiên phải viết đúng, xây dựng được khung, dàn ý cho bài viết rồi mới tiếp tục phát triển ý thành tác phẩm hoàn thiện.

Nói về tên gọi "Tô lại màu văn", lãnh đạo Trường THPT FPT cho hay, mục tiêu của cô trò trong workshop này là cùng nhau tô lại để màu văn chương đậm nét hơn. "Với sự đồng hành của CLB Văn học, chúng tôi mong rằng đây là hoạt động mở đầu để các con có thể hướng vào bên trong (thay vì chỉ hướng ra bên ngoài), xây dựng được sức mạnh nội tâm, sức mạnh tinh thần. Cùng với đó, nhà trường sẽ tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những em có kỹ năng viết. Đặc biệt, thời gian tới, một số tiết văn học địa phương, nhà trường sẽ liên hệ với Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng để có thể kết nối các em với các nhà văn, nhà thơ địa phương", cô Loan thông tin thêm.

TẠ NGỌC ĐIỆP

.