Giáo dục
Định hướng cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trên cơ sở này, các trường đã nhanh chóng bắt nhịp, chuẩn bị kế hoạch giúp giáo viên định hình việc dạy học, kiểm tra đánh giá.
Học sinh trao đổi bài sau thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: NGỌC HÀ |
Cấu trúc định dạng đề thi được Bộ GD&ĐT xây dựng đối với 17 môn học theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Các câu hỏi trong đề minh họa gắn với các bối cảnh có ý nghĩa như bối cảnh có tác dụng và giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học.... Tại thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11. Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi gồm: câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Theo thầy Phạm Đình Kha, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công, dạng câu hỏi trắc nghiệm điền khuyết (trả lời ngắn) tuy không mới nhưng không phổ biến. “Với dạng câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn đúng sai, điền khuyết, lâu nay, chủ yếu giáo viên sẽ sử dụng để làm phong phú thêm đề kiểm tra và cũng chủ yếu ở dạng kiến thức đổi mới. Đặc biệt, câu hỏi điền khuyết gần với câu hỏi tự luận trả lời ngắn, học sinh phải nắm vững kiến thức cốt lõi. Vì vậy, đây cũng là dạng câu hỏi trắc nghiệm có tính phân hóa học sinh”.
Thầy Kha cho biết, đề thi minh họa đã phần nào giúp giáo viên các bộ môn nắm được cấu trúc đề. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ có điều chỉnh đối với công tác dạy - học, kiểm tra, đánh giá ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với mỗi bài dạy, giáo viên phải lựa chọn ít nhất 3 đơn vị kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất để yêu cầu học sinh nắm vững và vận dụng.
Tương tự, cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ, ngay khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi, các tổ chuyên môn của nhà trường đã họp để phân tích cấu trúc của đề minh họa, tham khảo để xây dựng ma trận đề nhằm sớm xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho việc kiểm tra định kỳ với các lớp đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, với phần trắc nghiệm, có thêm một số định dạng mới như điền khuyết, đúng sai vì từ trước đến nay, trong các đề kiểm tra, chỉ phổ biến dạng câu hỏi lựa chọn 1 trong 4 phương án A, B, C, D.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường THPT trên địa bàn thành phố đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, nhà trường luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức kiểm tra, đánh giá trung thực với yêu cầu dạy, học toàn diện theo chương trình mới. Sau khi phương án thi được công bố chính thức, nhà trường có một số điều chỉnh việc dạy và học nhằm hướng đến kết quả tốt nhất cho học sinh. Trong đó, tập trung tổ chức tốt công tác tư vấn chọn ban, chọn môn học phù hợp năng lực và điều kiện của học sinh ngay từ đầu cấp học, năm học.
Nhằm giúp học sinh lớp 10, 11 làm quen với các kỳ thi, hiện nay nhà trường triển khai tốt công tác tổ chức kiểm tra định kỳ với một số môn theo đề chung. Sau đó, xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên hơn trên quy mô toàn khối, kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh. “Tất cả môn thi đều được quán triệt xây dựng ngân hàng câu hỏi mới, phù hợp định hướng kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục 2018 mà giáo viên đã được tập huấn. Để hạn chế tình trạng học môn này bỏ môn kia, nhà trường sẽ tăng cường định hướng ý thức học tập cho học sinh, bởi việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà còn liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em”, thầy Hảo bày tỏ.
NGỌC HÀ