Giáo dục

Giáo dục nhìn từ yếu tố xã hội

10:27, 04/01/2024 (GMT+7)

Giáo dục nhìn từ góc độ xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực, bài viết này người viết đề cập đến hai lĩnh vực thuộc chủ thể xã hội trong chiến lược giáo dục của nước nhà có ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục cho thế hệ trẻ là điện ảnh và âm nhạc để thấy rằng, còn có nhiều việc phải làm để nuôi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện. Qua đó, góp phần cùng gia đình và nhà trường giúp các em thêm yêu đồng bào, yêu quê hương đất nước và giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc, không hổ danh với các thế hệ đi trước đã đổ máu xương cho các em được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Trong bối cảnh mạng xã hội ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, bên cạnh những mặt tích cực thì mặt tiêu cực không hề nhỏ, thậm chí có xu hướng lấn át cái tích cực nếu lớp trẻ không được sớm chủ động định hướng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới, các em có những hành vi sai phạm, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông... Để hạn chế tối đa ảnh hưởng từ mặt trái môi trường mạng xã hội đến thế hệ trẻ, cần có biện pháp quản lý, ở góc độ vỹ mô phải có chiến lược cụ thể trong đầu tư phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ hướng đến đối tượng thanh, thiếu niên.

Cụ thể là những chương trình bổ ích, hấp dẫn, gần gũi mang tính giáo dục cao cho thiếu nhi trên truyền thông đại chúng, nhất là các phương tiện nghe nhìn rất dễ tiếp cận qua các kênh truyền thông, mạng xã hội. Trong vấn đề này, nói riêng lĩnh vực điện ảnh (phim nhựa và truyền hình), có thể thấy rằng, các bộ phim dành cho lứa tuổi học trò hiện nay chưa nhiều,  trong khi đó các em lại rất thoải mái tiếp cận với đủ loại phim trên mạng Những phim cho thiếu nhi đặc sắc một thời như Cổ tích Việt Nam (1993-2020), Đất phương Nam (1997), Đội đặc nhiệm nhà C21 (1998), Kính vạn hoa (2004), Chiến dịch trái tim bên phải (2005), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Thế giới cổ tích (2015-2018), Trạng Tí phiêu lưu ký (2021)...

Hoặc xa hơn như Kim Đồng, Em bé Hà Nội, Mẹ vắng nhà… giờ đây rất ít được những người làm điện ảnh quan tâm sản xuất. Trước thực trạng trên, cần sớm có một giải pháp đồng bộ đến từ cơ quan quản lý để có hướng phát triển phim cho thiếu nhi. Không thể chỉ dựa vào phim nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu giải trí cho thiếu nhi Việt, bởi trẻ em cần được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bộ phim gần gũi, mang tính giáo dục và truyền thống văn hóa Việt Nam.Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng  để các hãng phim tư nhân đầu tư những kịch bản hay cộng với những nhà làm phim tâm huyết cùng chung tay góp sức cho ra những tác phẩm chất lượng gắn với cuộc sống của các em.

Lĩnh vực thứ hai cũng cần quan tâm là âm nhạc, cụ thể là ca khúc sáng tác cho thiếu nhi. Tình trạng thưa vắng ca khúc mới dành cho lứa tuổi thiếu nhi tồn tại đã nhiều năm, song, vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Thực tế, số lượng ca khúc sáng tác hằng năm không ít nhưng để giới thiệu, phổ biến rộng rãi những ca khúc mới lại là câu chuyện khác.

Được biết, tuy là không đều đặn, nhưng ở nhiều nơi trên cả nước vẫn diễn ra các cuộc thi, trại sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, nhất là ở những thành phố lớn, nhưng tổng kết, trao giải xong thì sau đó, các ca khúc, nhất là ca khúc đoạt giải lại ít người biết đến vì nó không được sử dụng, dàn dựng, trình diễn, ngoại trừ một số chương trình truyền hình thực tế có nguồn thu từ quảng cáo... Có rất nhiều nhạc sĩ, giáo viên âm nhạc, người có tâm huyết vẫn đang sáng tác cho thiếu nhi, nên không hề thiếu các ca khúc dành cho các em nhưng cộng đồng lại khó tiếp cận với nguồn bài hát đó. Trong khi, để yêu thích một bài hát thì các em phải được nghe/xem bài hát đó nhiều lần, tức là bài hát đó cần được sân khấu hoá, được biểu diễn, trình chiếu ở nhiều kênh.

Nhớ lại những năm thời bao cấp và cả trước năm 1975, người viết ca khúc cho thiếu nhi không nhiều nhưng lại có nhiều ca khúc đến nay vẫn còn lắng đọng với các thế hệ như “Hạt gạo làng ta” (Trần Viết Bính - Trần Đăng Khoa), “Em yêu trường em” (Hoàng Vân), “Đi học”, “Em đi giữa biển vàng” (Bùi Đình Thảo), “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao), “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích), “Cả nhà thương nhau” (Phan Văn Minh), “Bài học đầu tiên” (Trương Xuân Mẫn), “Em là bông hông nhỏ” (Trịnh Công Sơn)... Những bài hát này có sức lan tỏa thật mạnh mẽ đến tận bây giờ.

DÂN HÙNG

.