Giáo dục

Gian nan thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của sinh viên

07:48, 11/07/2024 (GMT+7)

Sinh viên các trường đại học có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được công bố, trao giải thưởng hằng năm, trong đó một số đề tài mang tính ứng dụng cao. Nhưng để trở thành sản phẩm thương mại không dễ.

Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh trong quá trình nghiên cứu đã xây dựng dự án khởi nghiệp “BINKS - Mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh”. Ảnh: HÀ THU
Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh trong quá trình nghiên cứu đã xây dựng dự án khởi nghiệp “BINKS - Mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh”. Ảnh: HÀ THU

Năm 2023, dự án “Ứng dụng nghiên cứu nước trong thân cây chuối hột làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe” của nhóm Onimis gồm 3 sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là Hà Thị Diệu Hiền, Trần Minh Toàn (Khoa Kinh doanh quốc tế) và Nguyễn Trọng Nghĩa (Khoa Thống kê tin học) đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng. Từ thành quả ban đầu, nhóm Onimis phát triển cho ra đời hai sản phẩm khởi nghiệp: Thạch chuối kỷ tử và Nước thân chuối hạt chia (đóng chai). Cả hai sản phẩm này đều tốt cho sức khỏe và phù hợp thị hiếu người dùng so với một số dạng thực phẩm chức năng thông dụng khác. Dự án của nhóm tiếp tục vượt qua 500 hồ sơ được chọn vào chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023.

Cuối năm 2023, dự án “Du lịch cộng đồng dân tộc Cơ tu” của 5 sinh viên Trường Đại học Duy Tân giành giải Nhì tại chương trình Bệ phóng khởi nghiệp (I’m possible) do tổ chức phi chính phủ The Dariu Foundation phối hợp các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Dự án với hai sản phẩm du lịch gồm tour du lịch văn hóa khám phá Cơ tu, bao gồm các hoạt động trải nghiệm sinh hoạt hằng ngày, tham gia các hoạt động nông nghiệp, thủ công truyền thống hay các nghề truyền thống kết hợp tìm hiểu văn hóa ẩm thực và giao lưu với đồng bào dân tộc; trải nghiệm VR Tour 360 độ thông qua webiste trực tuyến để có góc nhìn đầy đủ về vùng đất muốn đến và tour du lịch trước khi quyết định trải nghiệm dịch vụ.

Tương tự, dự án khởi nghiệp “BINKS - Mực thực vật - Hướng đi mới cho nông nghiệp xanh” của 5 sinh viên Trần Nhân Kiệt (ngành Khoa học y sinh), Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (ngành Khoa học máy tính), Lê Văn Minh Tuấn, Lê Ngọc Anh Phương và Phạm Như Uyên Nhi (ngành Quản trị kinh doanh quốc tế) thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) xuất sắc đoạt giải Nhất chung kết SV_STARTUP 2024 cuộc thi toàn quốc “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Những dự án này được đánh giá là có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm thương mại không hề dễ. Tạ Thị Khánh Dung, thành viên dự án “Du lịch cộng đồng dân tộc Cơ tu” cho biết, hiện tại dự án đã tạm ngừng. Ngoài lý do các thành viên sắp tốt nghiệp và có định hướng khác nhau, yếu tố hỗ trợ về vốn, khả năng quản trị, điều hành tour… là rào cản. Trong khi đó, Hà Thị Diệu Hiền, nhóm Onimis chia sẻ, để đưa vào thị trường, nhóm cần xúc tiến hoàn thiện sản phẩm (cải thiện hương vị, cải tiến hộp đựng từ lá, tận dụng thân cây làm thức ăn và phân bón hữu cơ…); tiếp cận thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư để hỗ trợ nông dân trồng chuối hột làm nguyên liệu (theo chuẩn GAP); phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ ép và chế biến tại chỗ góp phần tăng sinh kế cho người dân.

“Có nhà đầu tư quan tâm, nhưng sau khi thảo luận vẫn chưa rót vốn đầu tư dự án, nên sản phẩm chưa ra thị trường. Hiện nay em đã tốt nghiệp và làm việc trong ngành công nghệ, trong khi đó hai bạn còn lại vẫn chưa ra trường. Hy vọng thời gian tới chúng em sẽ sắp xếp ổn thỏa, tìm kiếm nhà đầu tư để tiếp tục dự án”, Hiền nói.

Dự án BINKS - Mực thực vật của nhóm Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh khả quan hơn khi một số lớp học vẽ trên địa bàn thành phố đã thử nghiệm sản phẩm và cho phản hồi rất tích cực về chất lượng. Dự án có tiềm năng mở rộng trên thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng mạnh (22,3%/năm). “Riêng tại Đà Nẵng, hơn 100 sản phẩm đã được bán ra trong giai đoạn từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024. Đây là tiền đề quan trọng để thương mại hóa sản phẩm vào giai đoạn sau với hai hướng đi mới là mực in và màu nhuộm vải, hai nguyên liệu đang chiếm lĩnh nền công nghiệp dệt may và in ấn.

Tuy nhiên, trước khi ra thị trường, nhóm em phải hoàn thiện phiên bản tốt nhất và mới nhất của sản phẩm. Nhóm sẽ tăng cường đi đến lớp học vẽ, trường mầm mon, tiểu học... để marketing kết hợp với truyền thông quảng cáo qua facebook/tiktok; tham gia một số chương trình tăng tốc gọi vốn khởi nghiệp để có chi phí mở rộng và gầy dựng thương hiệu”, Nhân Kiệt, Trưởng nhóm dự án BINKS - Mực thực vật, chia sẻ.

HÀ THU

.