Giáo dục

Lại "nóng" chuyện xã hội hóa máy điều hòa

07:35, 01/10/2024 (GMT+7)

Việc xã hội hóa kinh phí đóng góp để lắp máy điều hòa tại một số trường học trên địa bàn thành phố đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế không đồng đều giữa các địa phương, nên nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để tạo sự hưởng thụ đồng đều trong học sinh.

Nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố chưa được trang bị máy điều hòa. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu). Ảnh: LÊ PHẠM
Nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố chưa được trang bị máy điều hòa. TRONG ẢNH: Giờ học của học sinh Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu). Ảnh: LÊ PHẠM

Nơi có, nơi không

Năm học 2024-2025, các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6) trên địa bàn quận Hải Châu tiếp tục được trang bị máy điều hòa từ nguồn kinh phí của phụ huynh đóng góp. Tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), năm học này, khối lớp 1 được lắp đặt máy điều hòa mới do máy của các năm trước để lại bị hư hỏng. Cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc kêu gọi xã hội hóa do ban đại diện cha mẹ học sinh lấy ý kiến phụ huynh trong lớp. Tuy nhiên, nhà trường quán triệt dựa trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng mà tùy điều kiện phụ huynh có những mức đóng góp khác nhau, trường hợp nào khó khăn thì được miễn.

Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) các lớp học đều được trang bị máy điều hòa từ nguồn xã hội hóa. Chị N.T.H. có con học lớp 6 tại trường này cho biết: “Mỗi phòng học có hai lớp học ca sáng và chiều, vì thế mỗi lớp sẽ trang bị một máy. Lớp con tôi kêu gọi đóng một khoản cố định, còn thiếu thì ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi phụ huynh có điều kiện trong lớp góp thêm. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ bắc máy điều hòa để các con học tập trong môi trường mát mẻ”.

Xã hội hóa lắp máy điều hòa diễn ra nhiều năm nay tại các trường trên địa bàn quận Hải Châu. Tuy nhiên, các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố không thuận lợi dù được nhiều phụ huynh ủng hộ.

Chị P.B.H (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, năm ngoái, ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường học lấy ý kiến phụ huynh về chủ trương xã hội hóa kinh phí đóng góp để chi trả tiền điện, vận hành, bảo trì trong quá trình thực hiện đề án đầu tư bổ sung gần 5.000 máy điều hòa ở các lớp học.

Khi nghe chủ trương thành phố trang bị máy điều hòa cho tất cả trường học, phụ huynh rất vui. Vì nhiều năm qua, con chị học từ cấp 1 đến cấp 2, phụ huynh đề xuất lắp đặt máy điều hòa bằng hình thức xã hội hóa nhưng nhà trường không đồng ý, do lo ngại nhiều phụ huynh của địa phương còn khó khăn.

“Một năm trôi qua, vấn đề lắp đặt máy điều hòa bằng nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chưa được triển khai; phụ huynh mong muốn xã hội hóa cũng không xong. Thời tiết ngày càng biến đổi theo chiều hướng khắc nghiệt hơn, học sinh học tập trong môi trường nóng bức cũng ít nhiều bị ảnh hưởng”, chị P.B.H nói.

Hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu).  Ảnh: NGỌC HÀ
Hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ

Cần tạo sự đồng đều ở các trường

Theo cô Lê Thị Vâng, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang), việc xã hội hóa máy điều hòa rất khó ở các trường vùng ven: nhiều trường cơ sở vật chất không bảo đảm để lắp đặt; mặt bằng chung phụ huynh điều kiện kinh tế khó khăn.

“Ban đại diện hội cha mẹ học sinh chỉ kêu gọi đóng góp quỹ lớp khoản 100.000 đồng/năm/học sinh để photo tài liệu chứ không còn khoản nào khác. Học sinh ở đây nhiều thiệt thòi so với các quận trung tâm. Để tạo sự hưởng thụ đồng đều cho học sinh, cần nâng cấp, cải tạo trường lớp, lắp thiết bị điều hòa bằng ngân sách Nhà nước”, cô Vâng bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu cho biết, hiện nay, đa số các trường trên địa bàn đều xây dựng hơn 20 năm, phòng học chưa đạt chuẩn, hệ thống cửa vẫn còn dùng cửa sắt, hệ thống dây điện không đủ trọng tải… nên khó triển khai xã hội hóa máy điều hòa. Tuy nhiên, các dãy phòng học mới xây dựng năm 2023 và 2024 của một số trường như: Tiểu học Phan Phu Tiên, Tiểu học Hồng Quang, Tiểu học Võ Thị Sáu có trang bị đầy đủ máy điều hòa từ gói thiết bị đầu tư của dự án. Hiện nay các khối mới này ưu tiên bố trí khối lớp 1 và hiện tiền sử dụng điện được trả từ nguồn chi hoạt động của nhà trường.

Tương tự, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, chỉ có Trường Tiểu học Hoa Lư kêu gọi xã hội hóa từ nguồn tài trợ của một số phụ huynh năm ngoái. Ngoài ra, Trường Tiểu học Hà Huy Tập chỉ có một số phòng học có máy điều hòa cũng từ nguồn xã hội hóa, các trường còn lại không triển khai.

“Nhiều trường không dám xã hội hóa vì sợ nói ra nói vào. Tôi đã động viên triển khai, không kêu gọi kiểu “cào bằng”, mà vận động một số phụ huynh có điều kiện đóng góp. Đối với chủ trương xã hội hóa kinh phí đóng góp để chi trả tiền điện, vận hành, bảo trì trong quá trình thực hiện đề án đầu tư bổ sung máy điều hòa, từ đề xuất của các trường học trên địa bàn sau khi tổng hợp ý kiến của phụ huynh. UBND quận đồng ý đề xuất nguồn kinh phí vận hành và trả tiền điện được trích kinh phí từ nguồn chi thường xuyên cho các trường công lập trên địa bàn”, bà Chinh chia sẻ.

Tháng 11-2023, trên cơ sở đề nghị của Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sở GD&ĐT tổng hợp số lượng hơn 5.000 máy điều hòa, dự kiến kinh phí hơn 98 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì...

Theo đó, đối với trường đề xuất kinh phí từ xã hội hóa phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Trên cơ sở đề nghị này, Sở GD&ĐT triển khai các quận, huyện ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng liên quan vẫn chưa có kết luận về vấn đề này.

LÊ PHẠM

.