Giáo dục

Đầu tư xây dựng mới trường THPT để đáp ứng nhu cầu gia tăng học sinh của thành phố

09:09, 13/12/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học và đầu tư xây dựng mới trường THPT để đáp ứng nhu cầu gia tăng học sinh của thành phố, nhất là sự gia tăng cơ học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận trả lời chất vấn. Ảnh: NGỌC PHÚ
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận trả lời chất vấn. Ảnh: NGỌC PHÚ

 Sáng 13-12 tại kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố khóa X, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh khi trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an thành phố về giải pháp trong thời gian đến, nhất là công tác tham mưu, phối hợp tổ chức quản lý, giáo dục, đào tạo nghề cho số học sinh THCS không trúng tuyển các trường THPT công lập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hằng năm, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND thành phố kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, năm học 2024 - 2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố là 16.334 học sinh/18.358 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, học sinh vào các trường công lập là 11.916 em, trường tư thục là 3.626 em và trung tâm giáo dục thường xuyên là 792 em.

Như vậy, tỉ lệ học sinh tiếp tục học lớp 10 theo chỉ tiêu được giao tại các cơ sở giáo dục chiếm 89% so với số học sinh tốt nghiệp THCS; tỉ lệ không tiếp tục học lớp 10 theo chỉ tiêu được giao chiếm 11% (2.024 học sinh) sẽ tiếp tục học nghề hoặc các chương trình khác.

Tỉ lệ nêu trên phù hợp với Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025, là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đến năm 2025 phấn đấu ít nhất là 40%. 

Đối với các em không tiếp tục học vào lớp 10 tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ được tư vấn hướng nghiệp, phân luồng vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy kiến thức văn hóa THPT (4 môn) và Chương trình giáo dục phổ thông (7 môn) cho người học có nguyện vọng học Chương trình phổ thông để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo thống kê, năm 2022 và 2023, tổng số học sinh đã hoàn thành chương trình THCS không vào lớp 10 tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên (bao gồm số học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT) là 4.585 học sinh. Trong đó, 4.074 học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp, chiếm 88,9% và 511 học sinh không vào giáo dục nghề nghiệp, chiếm 11,1%.

Đối với các em không vào lớp 10 và chưa vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp các năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các trường THCS, chính quyền địa phương lập danh sách gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố để phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục vận động, tư vấn, hỗ trợ để các em được học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, tăng cường giáo dục, tích hợp, lồng ghép công tác về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm về ma túy… để học sinh, sinh viên nhận biết về phương thức, thủ đoạn và hậu quả, tác hại của các loại tội phạm; các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đại biểu Phan Văn Dũng chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Phan Văn Dũng chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet; tuyên truyền bằng khẩu hiệu, hình ảnh pano, áp phích, các bản tin về phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa đối với nhóm học sinh, học viên, sinh viên có biểu hiện ham chơi, bỏ tiết học.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp với ngành công an tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, trật tự xã hội…

Để thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng nhằm góp phần tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội được đến trường cũng như góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố đầu tư xây dựng mới trường THPT để đáp ứng nhu cầu gia tăng học sinh của thành phố, nhất là sự gia tăng cơ học.

Đồng thời, chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên tiếp tục phối hợp với các trường nghề để bảo đảm chất lượng việc dạy học văn hóa cho học viên tại các trường nghề.

Sở tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố kiến nghị với Trung ương nghiên cứu lại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục nhằm bảo đảm nhu cầu của xã hội và điều kiện thực tế của các gia đình học sinh hiện nay.

NGỌC PHÚ

.