Giáo dục

Sinh viên bắt tay trong nghiên cứu khoa học

13:47, 20/12/2024 (GMT+7)

Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại các trường đại học ngày càng phát triển. Để tăng tính hiệu quả cho dự án, đề tài tham gia các cuộc thi, nhiều nhóm sinh viên của các trường đại học đã hợp tác cùng nhau để có được đề tài toàn diện hơn, đánh giá bao quát hơn mang lại hiệu quả ứng dụng cao trong đời sống.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu mô hình sản phẩm của nhóm tại một cuộc thi.  Ảnh: HÀ khuê
Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu mô hình sản phẩm của nhóm tại một cuộc thi. Ảnh: HÀ KHUÊ

Tại cuộc thi Smart Campus châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, đội thi của nhóm 5 sinh viên đến từ Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) giành giải ba chung cuộc. Đây là đội liên quân duy nhất của hai trường đại học khối kinh tế và kỹ thuật lọt vào vòng chung kết năm nay. Đề tài “Đà Nẵng xanh - giải pháp mới trong quản lý rác thải đô thị” của nhóm được đề xuất như một giải pháp đổi mới, với mục tiêu sử dụng công nghệ tiên tiến để quản lý rác thải một cách hiệu quả, đồng thời thay đổi thói quen và nhận thức của người dân về phân loại rác. Thông qua hệ thống thùng rác thông minh và trang web cộng đồng, mô hình này giúp giải quyết vấn đề quản lý rác thải và góp phần bảo vệ môi trường.

Vũ Hoàng Quân, sinh viên năm 4 Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa cho biết, với chủ đề “Giải pháp đổi mới cho phát triển bền vững”, ứng dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo như AI, IoT và Robotics để đem lại các giá trị, tiện ích phát triển đô thị thông minh, nhóm đã tìm kiếm và tuyển các thành viên phù hợp với đề tài của nhóm.

Theo Quân, việc liên kết sinh viên của 2 nhóm trường kinh tế và kỹ thuật giúp nhóm hoàn thiện các đầu việc đòi hỏi năng lực chuyên môn từ các ngành học của các bạn. Thành viên trong nhóm học các ngành khác nhau nên hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong quá trình triển khai. Đơn cử như vấn đề kỹ thuật và công nghệ sẽ do các bạn sinh viên của Trường Đại học Bách khoa đảm nhận, các bạn sẽ lên ý tưởng, thiết kế mô hình, thiết kế nội dung thuyết minh; các vấn đề về phân tích và đánh giá mức độ khả thi, trình bày đề tài, thử nghiệm mô hình, viết nội dung cho các mô hình, bài thuyết minh, phiên dịch… sẽ do các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế thực hiện.

TS. Đoàn Thị Ngọc Cảnh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế cho biết, liên quân giữa Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp… ngoài yếu tố kỹ thuật được đưa ra, còn cần phải đánh giá thêm tác động, hiệu quả kinh tế đem lại. Mỗi sản phẩm ra đời cần tiếp cận với công chúng một cách nhanh nhất, do đó, liên quân của nhóm sinh viên khối ngành kinh tế và ngành kỹ thuật là sự kết hợp tròn trịa giữa các bên. Một bên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đề tài, một bên đánh giá thực tế ứng dụng thông qua các con số được tính toán cụ thể cho đề tài.

Là người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên trong triển khai đề tài PGS.TS. Võ Ngọc Dương(Trường Đại học Bách khoa) đánh giá sinh viên hiện nay rất nhanh nhạy trong cách tiếp cận đề tài. Sự hợp tác của các sinh viên giữa hai khối ngành kỹ thuật và kinh tế rất ăn ý, giúp các bạn hoàn thiện được đề tài một cách hiệu quả và bao quát, nhất là trong xu hướng hội nhập hiện nay, đòi hỏi sinh viên của các trường đại học phải có nhiều kỹ năng, kiến thức tổng quát, đa dạng. Việc liên minh, bắt tay hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo giúp các bạn sinh viên tăng thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tận dụng được lợi thế của từng ngành học, ứng dụng vào đề tài.

PGS.TS. Võ Ngọc Dương cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên các nhóm sinh viên của Trường Đại học Bách khoa liên minh, hợp tác với các trường khác và đạt kết quả tốt. Trước đó, cũng tại cuộc thi Smart Campus châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, nhiều đội liên minh của các trường đại học đã đoạt được thành tích cao như giải nhất đề tài “Ứng dụng LoRa vào hệ thống IoT bảo đảm chất lượng điện năng” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế; giải nhì đề tài “Hệ thống giám sát và chẩn đoán vị trí rò rỉ trong hệ thống đường ống dẫn chất lỏng thông qua mạng truyền thông LoRa” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế; giải doanh nghiệp trao cho đề tài “LoRatrack logistics: Theo dõi và quản lý container trong chuỗi cung ứng - ứng dụng công nghệ LoraWan” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Sinh viên Vũ Hoàng Quân cho biết, sau khi được giải, các thành viên trong nhóm vẫn tiếp tục hợp tác cùng nhau nghiên cứu về đề tài này và phát triển thêm việc tích hợp mạng LoRa của thành phố để chạy mô hình. Nhóm hướng tới vườn ươm của thành phố và các cuộc thi về môi trường liên quan. Hy vọng đề tài hợp tác của nhóm sẽ mang lại giá trị cho thành phố và giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải trong người dân, hướng đến thành phố thông minh cũng như sự phát triển bền vững sau này.

HÀ KHUÊ

.