Giáo dục
Các trường đại học hợp tác, kết nối đối tác quốc tế
Các hoạt động trao đổi, giao lưu học thuật quốc tế được các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh nhằm phát huy khả năng chuyên môn, nâng cao uy tín, thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học.
![]() |
TS. Ariel Viale (bên trái), Trường Palm Beach Atlantic University (Hoa Kỳ) trao đổi học thuật với các giảng viên Trường Đại học Kinh tế. Ảnh: THU HÀ |
Kết nối với giảng viên quốc tế
Đầu tháng 1-2025, các khoa chuyên ngành (Tài chính, Ngân hàng) của Trường Đại học Kinh tế có buổi làm việc với TS. Ariel Viale, Trường Palm Beach Atlantic University (Hoa Kỳ), chuyên gia của Chương trình học giả Fulbright. Theo TS. Ariel Viale, việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong các ngành, lĩnh vực kinh tế đang phát triển năng động, mạnh mẽ ở châu Á nói chung, Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng nói riêng là nhu cầu, xu thế cần được tăng cường kết nối giữa các trường đại học, các nhóm chuyên gia, giảng viên.
Việc tiếp cận, chia sẻ các nguồn cơ sở dữ liệu học thuật quốc tế có độ tin cậy cao là cơ sở để các nhà khoa học, giảng viên của các trường đại học có cùng điểm tương đồng phát huy thế mạnh trong hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.
Tương tự, tại chuyên đề học thuật do Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế tổ chức mới đây với sự tham gia của GS. Louis P. Le Guyader đến từ Đại học Southeastern Louisiana (Hoa Kỳ) đã chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kế toán, giúp giảng viên của nhà trường tiếp cận với các xu hướng học thuật và ứng dụng thực tế trên thế giới.
Theo các giảng viên tham dự, những kinh nghiệm thực tiễn được các giảng viên đến từ các trường đại học quốc tế chia sẻ, mang đến góc nhìn mới mẻ, giúp đội ngũ giảng viên cập nhật và áp dụng hiệu quả vào quá trình giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học; góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai trường, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại nhà trường.
PGS.TS. Đặng Tùng Lâm, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế cho biết, để nâng cao học thuật, nghiên cứu cho giảng viên, khoa đang xúc tiến các nội dung để triển khai kế hoạch hợp tác mời các chuyên gia uy tín của các trường đại học đối tác tham gia làm diễn giả trong các buổi seminar học thuật với giảng viên, sinh viên, học viên của các chuyên ngành có liên quan và hợp tác nghiên cứu trên các đề tài mang tính thực tiễn cao.
Cũng như Trường Đại học Kinh tế, ngay từ đầu năm 2025, Trường Đại học Sư phạm có nhiều hoạt động, kết nối với những giáo sư hàng đầu từ các trường đại học danh tiếng của Pháp và Hàn Quốc đến giao lưu học thuật với giảng viên, sinh viên các khoa Toán, Tin học và Vật Lý. Trong đó, buổi giao lưu học thuật của Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm với các giảng viên Đại học Soongsil (Hàn Quốc) đề cập đến các chủ đề mới, bắt nhịp với nội dung liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, như: nghiên cứu vật liệu đa pha điện từ, sự phát quang ion đất hiếm và công nghệ chế tạo màng mỏng; cải tiến tích hợp bộ phát lượng tử - ứng dụng trong mật mã lượng tử, đo lường và tính toán…
Theo các giảng viên của Khoa Vật lý, việc chia sẻ tri thức công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này đã giúp giảng viên có góc nhìn mới, có ý tưởng định hướng nghiên cứu bắt kịp xu thế trong tối ưu hóa công nghệ mạng lượng tử và nâng cao hiệu quả trong ứng dụng.
Thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu
Bên cạnh việc mời giảng viên từ đại học quốc tế đến trao đổi, giao lưu tại các trường đại học thành viên, một số giảng viên của Đại học Đà Nẵng cũng có cơ hội tham gia chương trình trao đổi học thuật, thỉnh giảng tại các trường đại học quốc tế. Đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu theo diện trao đổi tại Trường Đại học Mie (Nhật Bản), PGS.TS Võ Thắng Nguyên, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm, cho rằng việc tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở môi trường làm việc mới giúp cô học được nhiều điều từ các giáo sư, đồng nghiệp Nhật Bản không chỉ về nội dung học thuật, hoạt động chuyên môn, mà còn về cách tổ chức một nhóm nghiên cứu.
Cụ thể như việc chủ động cập nhật các học phần đang giảng dạy những nội dung mới, phù hợp với xu hướng phát triển chung hay cách tổ chức điều hành một nhóm nghiên cứu. Theo PGS.TS Nguyên, việc tạo ra các hoạt động định kỳ sẽ góp phần xây dựng nên một nhóm nghiên cứu có tính tổ chức và kết quả nghiên cứu tốt hơn và có thể áp dụng mô hình này cho nhóm nghiên cứu khi về lại Trường Đại học Sư phạm.
Ngoài số giảng viên đã và đang tham gia nghiên cứu tại các trường đại học quốc tế, mới đây Trường Đại học Sư phạm có thêm 2 giảng viên tham gia chương trình trao đổi học thuật, thỉnh giảng tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Trong đó TS. Bùi Thị Thanh Diệu, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục tham gia chương trình học giả thỉnh giảng tại Đại học Texas State ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; PGS.TS. Trịnh Đăng Mậu, Trưởng khoa Sinh - Môi trường tham gia nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm sinh học biển, Đại học Chicago.
Hoạt động này là một trong những nội dung của dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) giữa Việt Nam với đối tác Hoa Kỳ mà Đại học Đà Nẵng là 1 trong 3 đại học hàng đầu của Việt Nam đủ điều kiện và được lựa chọn tham gia.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, vài năm trở lại đây, số lượng giảng viên của trường thực hiện thỉnh giảng ở các trường đại học tăng hằng năm, nhất là các môn khoa học cơ bản. Đây cũng là một trong những lợi thế của nhà trường trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiến tới quốc tế hóa đại học.
THU HÀ