Giáo dục
Định hướng phân luồng học sinh ở Hòa Vang
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế. Cùng với các kiến nghị, đề xuất mang tính dài hơi lên cấp thẩm quyền, huyện Hòa Vang đang chủ động triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn huyện.
![]() |
Buổi tập huấn cho giáo viên THCS trên địa bàn huyện về giáo dục hướng nghiệp do Câu lạc bộ Hướng nghiệp Hòa Vang tổ chức. Ảnh: TRỌNG HUY |
Bài 1: Thực trạng phân luồng
Sau tốt nghiệp THCS, gần 1/3 số học sinh sẽ phải rẽ sang học nghề, học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, bất cập từ thiếu giáo viên chuyên trách, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, ý thức từ phụ huynh, thiếu chương trình hướng nghiệp... dẫn đến hiệu quả phân luồng chưa cao.
Tỷ lệ phân luồng thấp
Thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025” (theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ việc phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025”), huyện Hòa Vang đề ra mục tiêu: “100% học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không trúng tuyển hoặc không dự thi vào lớp 10 công lập được tiếp tục học tập, được tạo điều kiện tối đa để bảo đảm quyền lợi học tập của các em theo phương châm “không để các em bỏ lại phía sau”. Định hướng, phân luồng phấn đấu 20% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục hướng nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp”.
Báo cáo của huyện về công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn huyện cho biết, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm số học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố đạt từ 66% đến 68%. Số học sinh vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố là 1.271 em, tỷ lệ 9,9%; số học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 1.019 em, tỷ lệ 7,9%; số học sinh học nghề tự do: 1.000 em, tỷ lệ 7,8%; số học sinh tham gia vào thị trường lao động không qua đào tạo: 348 em, tỷ lệ 2,7%; số học sinh còn lại là 483 em, chiếm tỷ lệ 3,8%.
Từ số liệu thống kê trên cho thấy, sau khi tốt nghiệp THCS, số học sinh không vào lớp 10 THPT chọn hướng vào học trung tâm giáo dục thường xuyên nhiều hơn (9,9%). Trong số đó có hơn 90% các em đăng ký vừa học 7 môn văn hóa vừa học trung cấp nghề. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo lắng là số học sinh đăng ký học nghề nhưng bỏ học nửa chừng khá cao. Cụ thể, theo số liệu thống kê tại trung tâm giáo dục thường xuyên số 3 trong 4 năm (2019 đến 2022), toàn huyện có 594 em đăng ký nhưng chỉ có 193 em tốt nghiệp (đạt 32%). Với số liệu thống kê học sinh nhập học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 1.019 em, chiếm 7,9% nhưng đến nay chỉ có 262 em (gồm 207 em đào tạo dài hạn, 55 em ngắn hạn) đã được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học và trong đó có 116 em có việc làm.
Tại xã Hòa Sơn, riêng năm học 2023-2024, toàn xã có 301 học sinh học lớp 9, trong đó 297 em tốt nghiệp THCS, có 288 em thi tuyển sinh vào THPT và chỉ có 188 em đậu các nguyện vọng vào THPT. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Ngô Minh Nhàn cho biết, sau khi có kết quả thi, xã tổ chức nhiều đoàn đến tận nhà và mời cả học sinh và phụ huynh lên xã để gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp.
Mặc dù bước đầu đã có kết quả giải quyết hướng đi cho gần 80 em trong số hơn 100 em không tiếp tục vào học tại các trường THPT đi học nghề tự do, học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Hòa Sơn nói riêng và 4 xã cánh Bắc Hòa Vang nói chung không có bất kỳ một trường nghề, trung tâm dạy nghề hay cơ sở thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên nào hoạt động.
“Năm học này có 28 em vào học trung tâm giáo dục thường xuyên số 3, song điều kiện đi lại rất khó khăn, xa xôi, rất áp lực cho phụ huynh và học sinh. Rõ ràng, xét toàn diện thì hiệu quả phân luồng chưa bảo đảm các điều kiện để triển khai”, ông Nhàn nói.
Khảo sát để đánh giá đúng thực trạng
Để đánh giá sát đúng thực trạng, Huyện ủy Hòa Vang tổ chức điều tra xã hội học trên diện rộng với quy mô 3.772 phiếu được phân bổ tại 11 trường THCS và được khảo sát trên 3 chủ thể chính trong việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng (1.917 học sinh lớp 9; 1.784 cha mẹ học sinh lớp 9; 71 cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS).
Kết quả khảo sát đối với học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 cho thấy, chỉ có 61% số học sinh được hỏi đã tham gia định hướng nghề nghiệp qua chương trình học tập các môn học trên lớp, đặc biệt là qua các buổi ngoại khóa do nhà trường tổ chức chỉ có 22% tham gia.
Khi được hỏi giáo viên về nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, chỉ có 10% số giáo viên được hỏi xác định nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp là “khuyến khích, động viên học sinh tự giáo dục, rèn luyện và phát triển những khả năng còn thiếu”; 21% giáo viên cho biết “phát hiện, đánh giá được sở thích, khả năng hiện có của học sinh” và còn 28% giáo viên chưa xác định được nhiệm vụ chủ yếu có tính quyết định nhất của công tác giáo dục hướng nghiệp là “giúp học sinh tìm ra giải pháp và từng bước giải quyết vấn đề để chọn được hướng học hoặc chọn nghề phù hợp”. Điều này cho thấy mặc dù chương trình, thông tư đã quy định nhưng việc tổ chức Chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các trường hiện nay chưa đạt yêu cầu.
Đáng nói, có 48% giáo viên khi được khảo sát cho biết, khó khăn và rào cản trong công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh sau THCS xuất phát từ việc giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường học, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp, chưa được tập huấn bồi dưỡng; sự hiểu biết sâu về ngành, nghề, thị trường lao động còn hạn chế nhất định.
Một rào cản khác nữa, có 52% giáo viên khi được hỏi trả lời là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp chưa được quan tâm đầu tư để phù hợp với thực tiễn; thiếu công cụ tư vấn nghề nghiệp cho học sinh như bộ trắc nghiệm tìm hiểu sở thích, hứng thú nghề nghiệp, trắc nghiệm về chỉ số thông minh và hứng thú học tập...
Theo báo cáo, hiện nay chưa có chương trình hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; chưa có trang thông tin, chưa tiếp cận được các trang thông tin chính thống về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng của thành phố, của huyện, các ngành; chưa có thông tin về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, phụ huynh chưa thật sự quan tâm công tác giáo dục hướng nghiệp, tâm lý phụ huynh vẫn mong muốn con em được học hết chương trình THPT.
TRỌNG HUY