.

Giáo dục

Định hướng phân luồng học sinh ở Hòa Vang - Bài cuối: Chủ động tìm hướng đi

14:05, 12/03/2025 (GMT+7)

Để đạt mục tiêu về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, huyện Hòa Vang chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn.

 Một buổi học xóa mất căn bản Toán lớp 8 cho học sinh THCS do Câu lạc bộ hướng nghiệp Hòa Vang tổ chức. Ảnh: PV
Một buổi học xóa mất căn bản Toán lớp 8 cho học sinh THCS do Câu lạc bộ hướng nghiệp Hòa Vang tổ chức. Ảnh: PV

Thiếu dụng cụ học tập

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 Lê Xuyên, thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025, hằng năm, tỷ lệ học sinh không đậu vào các trường THPT cao. Số này phải được phân luồng nhằm bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Tuy nhiên, ngoài việc học các cơ sở nghề nghiệp, ngay tại trung tâm, do thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp nên việc tiếp nhận học sinh sau tốt nghiệp THCS cũng giới hạn nhất định. “Năm học 2024-2025, trên địa bàn huyện Hòa Vang, trung tâm chỉ xét tuyển đủ chỉ tiêu là 110 em. Như vậy, số dư khoảng 650 em sẽ phải đi học nghề ở các cơ sở dạy nghề khác hoặc học nghề tự do”, ông Xuyên nói.

Ông Xuyên cho biết, với tổng số 25 lớp học với hơn 1.000 học sinh theo học đang hoạt động, nhưng trung tâm chỉ có 22 giáo viên biên chế, 10 giáo viên hợp đồng trực tiếp giảng dạy. Đối với các lớp học nghề, trung tâm liên kết các trường nghề, cơ sở dạy nghề bảo đảm điều kiện theo quy định để giảng dạy.

Theo các quy định, với số lượng lớp, học sinh như vậy, phải có đủ 50 giáo viên mới bảo đảm, trong khi thực tế trung tâm chỉ có 32 người, còn thiếu 18 người. Ông Xuyên cho rằng, qua các năm học, học sinh tại trung tâm có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao, nhiều em thi và đậu vào các trường cao đẳng, đại học, có em còn được xét thẳng. Dù có chức năng dạy nghề, song thực tế ở trung tâm hiện nay chủ yếu chỉ học văn hóa. Học nghề chỉ mang tính lý thuyết, vì không có điều kiện để thực nghiệm, không có dụng cụ trực quan thực hành; không có cơ sở, đơn vị tiếp nhận học sinh tốt nghiệp nghề khi ra trường dẫn đến thiếu hiệu quả rõ nét.

“Nhiều công ty khi tìm lao động, họ thà tuyển lao động cùng lứa tuổi rồi đào tạo hệ sơ cấp theo nhu cầu của mình mà không tiếp nhận học sinh tốt nghiệp nghề (trung cấp). Bởi khi làm việc, ít người đáp ứng được yêu cầu của họ, mà lương quy định lại cao hơn, chưa kể buộc họ phải đào tạo lại là thực trạng có thực”, ông Xuyên cho hay.

Có mặt tại cơ sở 2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 đóng ở xã Hòa Phong, khung cảnh im ắng và sự cũ kỹ của ngôi trường khác hẳn với thực tế bên trong khi đang có gần chục lớp học vẫn hoạt động. Tại phòng thực hành tin học và marketing, trên sàn hàng chỉ có mấy chục vỏ lon và dăm hộp vỏ bánh quy để làm mô hình mẫu. Theo ông Xuyên, đó là dụng cụ học tập trực quan cho học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. “Sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với các trường dạy nghề, nhờ hỗ trợ các dụng cụ, phương tiện trực quan phục vụ dạy, học nghề ”, ông Xuyên thành thật chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Ngô Minh Nhàn cho rằng, thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, năm 2019 xã có đề xuất Trung tâm Giáo dục thường xuyên chủ công mở 2 lớp thuộc trung tâm ngay tại Trường THPT Phạm Phú Thứ để đáp ứng nhu cầu cho con em 4 xã cánh bắc Hòa Vang.

Kết quả khóa học này rất thành công với nhiều em thi đậu đại học và tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt gần 80%. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuyên, do không bảo đảm phòng học cũng như mức hỗ trợ, chi trả tiền dạy cho giáo viên văn hóa quá thấp, khiến các giáo viên không mặn mà, nên chỉ mở được duy nhất 1 khóa với 2 lớp kể trên. Hiện nay, tại xã Hòa Liên có 1 lớp vừa học văn hóa vừa học nghề cho các em học sinh sau tốt nghiệp THCS không theo học THPT của Trường Trung cấp Ý Việt. Tuy nhiên, theo ông Nhàn, đây là giải pháp tạm thời và thiếu ổn định cũng như không đủ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh khi cánh bắc Hòa Vang vốn ngày càng đông hơn.

Sự ra đời của CLB hướng nghiệp Hòa Vang

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Chủ tịch CLB hướng nghiệp Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, trong khi chờ các cấp thẩm quyền chung tay gỡ rối những khó khăn, bất cập trong công tác định hướng phân luồng, giáo dục hướng nghiệp, huyện Hòa Vang chủ động các giải pháp của riêng mình nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn với sự ra đời của CLB hướng nghiệp Hòa Vang.

Theo đó, hoạt động của CLB gắn liền với hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục theo chương trình giảng dạy hiện nay. Dù mới thành lập cuối năm 2024, nhưng đến nay CLB tiến hành hỗ trợ trang thiết bị cho văn phòng tổ tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS trên địa bàn huyện (11 trường/11 xã). Năm 2025, CLB dự kiến sẽ tổ chức ít nhất 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp và các lớp đào tạo, bồi dưỡng khác cho lực lượng giáo viên. Đồng thời, triển khai đánh giá khung năng lực nghề nghiệp, phân nhóm ngành nghề học sinh theo tính cách, trong đó sẽ chuyển giao công cụ “Trắc nghiệm phân loại tính cách MBTI” (được chuyển giao từ Hệ thống giáo dục Skyline) cho tổ tư vấn hướng nghiệp các trường (trực thuộc CLB).

CLB sẽ tiến hành biên soạn giáo trình bổ trợ công tác giáo dục hướng nghiệp cho tổ tư vấn hướng nghiệp các trường THCS trên cơ sở tổ chức làm việc với các chuyên gia về giáo dục hướng nghiệp, các trường THCS để thảo luận, xác định các nội dung cần biên soạn nhằm bổ trợ công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THCS cũng như xây dựng video clip giới thiệu một số nghề thông dụng như du lịch, quản lý khách sạn, nấu ăn, xây dựng, marketing, điện-cơ khí, công nghệ thực phẩm, giáo dục, nông nghiệp chất lượng cao… phục vụ phương tiện trực quan trong quá trình tư vấn hướng nghiệp.

Theo ông Dũng, ngay khi vừa đi vào hoạt động, CLB tiến hành mở lớp tập huấn kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ tư vấn viên dành cho các tổ tư vấn tại các trường THCS trên địa bàn huyện. Đồng thời phối hợp chuyên gia mở lớp xóa mất gốc môn Toán lớp 8 cho các trường THCS trên địa bàn huyện. Ông Dũng cho hay, triển khai quỹ hỗ trợ học nghề cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chương trình “Góc học tập cho em” của CLB đến nay đã giúp đỡ cho 2 trường hợp gồm em Trần Như Ngọc (thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn) và em Mạc Thị Kim Y (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú).

Em Ngọc bị khuyết tật, gia cảnh rất khó khăn. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đậu ngành Văn hóa học, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng đành gác giấc mơ con chữ vì nhà nghèo. Cùng với sự hỗ trợ về vật chất, CLB đã tìm kiếm, vận động để giúp đỡ Ngọc tiếp bước đến trường với gói tài trợ học bổng toàn phần chương trình đào tạo bậc cao đẳng ngành công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng. Em Y có năng khiếu thể thao, nhưng thi đại học không đậu, CLB hỗ trợ kinh phí và có định hướng học tập, đào tạo nghề, giúp em yên tâm và có thêm động lực.

“Với tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng nhằm giúp học sinh có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS, từ đó học sinh sẽ giảm thiểu được những rủi ro khi chọn sai phân luồng môn học ở trung học phổ thông, xa hơn là ngành học ở đại học và việc làm sau tốt nghiệp. Do đó, cùng với các giải pháp của địa phương, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn ở cơ sở, rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan, sự thay đổi nhận thức, tư duy của phụ huynh, học sinh để việc phân luồng sau THCS không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh mà đa dạng hóa phương thức học, tạo điều kiện học suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập”, ông Dũng nói.

TRỌNG HUY

.