.

Giáo dục

Hướng tới trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

07:41, 28/03/2025 (GMT+7)

Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp “phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2025), Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Thành ủy viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng về vai trò của Đại học Đà Nẵng góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng dự lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng dự lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Ảnh: HẢI ĐĂNG

* Ông có thể cho biết cơ sở, ý nghĩa của việc phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những có ý nghĩa chiến lược đối với yêu cầu phát triển thành phố mà còn đối với đất nước trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đà Nẵng nằm trong số ít các địa phương có nhiều trường đại học (khoảng 20 cơ sở đào tạo đại học), có số lượng sinh viên đông (khoảng hơn 100.000 sinh viên, trong đó Đại học Đà Nẵng chiếm hơn 60.000 sinh viên); có hơn 1.000 người có trình độ từ tiến sĩ trở lên (trong đó Đại học Đà Nẵng có khoảng hơn 800 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ).

Đà Nẵng có tỷ lệ gần 800 sinh viên/1 vạn dân, thuộc top đầu cả nước. Đây là lợi thế lớn, đặc thù riêng có mà thành phố cần đánh giá đúng mức, nghiên cứu đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ đến để phát huy. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn là tiền đề góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển vùng và các địa phương lân cận, nhất là các ngành mũi nhọn như: vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính…

* Vai trò của Đại học Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển thành phố như thế nào, thưa ông?

- Khoảng thời gian thành phố trực thuộc Trung ương đến nay cũng là chặng đường phát triển của Đại học Đà Nẵng. Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố cũng là dịp các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng kỷ niệm chặng đường xây dựng, đóng góp vào sự phát triển thành phố. Trong mỗi bước đi lên của Đại học Đà Nẵng luôn có sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Nhờ lợi thế được đứng chân trên địa bàn thành phố “đáng sống”, “đáng đến” giúp Đại học Đà Nẵng có thêm nhiều thuận lợi để thu hút nhân tài về giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Với truyền thống, vị thế hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, Đại học Đà Nẵng phát huy sức mạnh cộng hưởng từ 7 trường thành viên và các đơn vị trực thuộc, mỗi năm tuyển sinh hơn 15.000 sinh viên, cung ứng đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt. Thực tiễn 50 năm qua cho thấy, nhiều cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng thành đạt, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tham gia các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

* Đại học Đà Nẵng có đề xuất gì để thành phố trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Để thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới, trước hết cần bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, thành phố cần thêm chính sách nổi trội để thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi, giữ chân người tài.

Phát huy lợi thế Đà Nẵng là nơi “hội tụ” của nhiều cơ quan Trung ương, doanh nghiệp lớn và các trường đại học để có cơ chế, chính sách liên thông sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức, chuyên gia, doanh nhân, không chỉ bó hẹp chính sách cán bộ trong phạm vi thành phố, quận, huyện. Thành phố đứng ra giữ vai trò kết nối, “bà đỡ”, khuyến khích phối hợp sử dụng nguồn lực chung giữa các trường đại học trên địa bàn, không phân biệt công, tư để cùng nhau đào tạo lực lượng làm chủ tri thức, công nghệ mới, thu hút sinh viên quốc tế góp phần đưa Đà Nẵng thành “thành phố đại học”.

Đà Nẵng có độ “mở” về giao thương, kinh tế, văn hóa lớn nên đòi hỏi tính sẵn sàng trong hội nhập cao. Vì vậy, ngoại ngữ, tin học và giáo dục STEM phải trở thành nền tảng. Học sinh Đà Nẵng phải giỏi tiếng Anh so với mặt bằng chung của cả nước. Đội ngũ cán bộ cần trau dồi năng lực ngoại ngữ để làm việc, giao tiếp với người nước ngoài.

Cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, trong đó có nội dung “ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành đại học quốc gia”. Đây không chỉ để thay đổi danh xưng mà để Đại học Đà Nẵng được tạo cơ chế, có điều kiện được đầu tư trọng điểm, xứng tầm một trong ba trung tâm đại học lớn, ngang tầm khu vực và quốc tế. Đây là cách hiệu quả và bền vững nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố nói riêng, miền Trung - Tây Nguyên nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HẢI ĐĂNG

.