.

Bốn đời võ nghiệp gia truyền

.

Ở xã Đông Bàn, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có dòng họ Trần một thời nổi tiếng khắp vùng với 4 đời võ nghiệp gia truyền.

Đi quyền tại đất võ Tây Sơn. (Ảnh minh họa của VTL).

Người đầu tiên mở nghiệp võ cho họ Trần làng Đông Bàn là Trần Tấn, sinh năm 1823. Cha ông nhiều năm ra vào buôn bán hàng lụa tại thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An, kết thân với một người họ Đặng và gửi ông ra trọ học tại nhà này. Nhà họ Đặng cũng có một người con trai tên là Đặng Như Mai, cùng Trần Tấn kết nghĩa tâm giao tri kỷ theo học đạo Thánh hiền. Về sau, hai nhà Trần - Đặng càng gắn bó nhau hơn khi Trần Tấn kết hôn với Đặng Thị Thanh, chị ruột Đặng Như Mai.

Đến năm Thiệu Trị thứ hai (1842), hai chàng Trần, Đặng xin phép gia đình tầm sư học đạo, theo nghiệp võ. Được biết tại chùa Bảo Lâm trên núi Thổ Sơn ở Phú Yên, có Thiền sư Thích Huyền Không trụ trì, tinh thông võ thuật, tài đức vẹn toàn, hai chàng lặn lội tìm đến xin làm đệ tử. Thiền sư nhìn qua hai chàng một lượt rồi thu nhận làm đệ tử thứ 6 và thứ 7 của mình.

6 năm sau, nhận thấy hai chàng đã thành thục, sư phụ đồng ý cho hạ sơn. Cả hai cùng ứng thí và đều đỗ tú tài võ. Hai vị tân khoa, sau khi về gia đình tạ lễ tổ tiên, hoan hỉ cùng thân bằng quyến thuộc, bèn cùng nhau vào chùa Bảo Lâm trình thầy và năm vị sư huynh tin mừng đắc vận thành danh. Ngày hội ngộ đoàn viên của 8 thầy trò tại Bảo Lâm Thiền Tự, lúc này là giữa năm 1848, sư cụ Thích Huyền Không tuổi đã 80. Nhân thấy mình sắp đến ngày gần đất xa trời, sư cụ mới tiết lộ tông tích của mình với 7 đệ tử.

Sư cụ họ Nguyễn, sinh năm 1768, quê làng La Qua, tổng An Nhơn, phủ Điện Bàn. Không vợ con, không thân thích, bình sinh đam mê võ thuật, năm 1789, thầy về theo nhà Nguyễn Tây Sơn. Vốn có chút căn bản võ thuật, cộng thêm lòng trung quân ái quốc, thầy đã lập được một số chiến công, được vua phong “Tướng quân Hộ vệ sứ”. Thầy suốt mười năm chinh chiến, nhiều phen vào sinh ra tử, không một ngày nhàn rỗi, thung dung. Nhưng thời vận khiến xui, cơ trời biến đổi… Nhà Nguyễn Tây Sơn sụp đổ, thầy đành gác kiếm, ẩn tu nơi cửa Phật cho qua một đời võ nghiệp thăng trầm, tránh sự trả thù tàn khốc của nhà Nguyễn.

Từ ngày lập chùa Bảo Sơn, thầy nguyện chỉ thu nhận đúng 7 đệ tử theo cơ duyên hữu hạnh. Năm đệ tử sinh quán ở Bình Định và Phú Yên, tự nguyện xuất gia đầu Phật, cắt tóc quy y. Còn lại hai người, một sinh quán ở Nghệ An, một đồng hương với thầy ở Điện Bàn, là hai đệ tử tục gia còn nặng kiếp nghiệp trần gian, dấn thân vào đường công danh khoa bảng. Biết ngày quy tịch của mình cũng đã gần kề, thầy dặn dò 7 đệ tử phải làm lành lánh dữ, nhân ái với mọi người, trung thành với Tổ quốc, luôn trau dồi đạo đức, lấy bảy điều giáo huấn của võ đạo chân truyền làm phương châm mà hành xử trên bước đường công đạo thiên lương…

Một thời gian sau khi sư cụ quy tịch, tháng Giêng năm Tự Đức thứ hai mươi bảy (1874), hai đệ tử Trần Tấn và Đặng Như Mai khởi xướng nghĩa binh đánh Pháp tại Nghệ An, thực hiện trung trinh ái quốc theo di huấn của thầy. Cũng như bao cuộc khởi nghĩa khác, nghĩa binh của hai người bị giặc Pháp dìm trong biển máu.

Trước đó, vào năm Tự Đức thứ chín (1856), Trần Tấn đã truyền võ nghiệp cho con trai là Trần Nho. 19 năm sau, Trần Nho lại truyền tiếp cho con là Trần Lợi. Đến cuối năm Duy Tân thứ tư (1910), do không có con trai, Trần Lợi truyền toàn bộ môn võ thuật gia truyền lại cho người cháu tên là Trần Khương. Ông Khương là Chưởng môn nhân sáng lập võ phái Tứ Phụng - một võ phái nổi tiếng có nguồn gốc từ Gò Nổi, Điện Bàn.

Người hiện giữ nhiều tư liệu về 4 đời võ gia truyền của họ Trần làng Đông Bàn là võ sư Võ Kiểu - Chưởng môn nhân đời thứ chín của võ phái Lạc Long Môn. Trong thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã từng cùng với võ sư Trần Khương mở trường dạy võ thuật cổ truyền Việt Nam, với danh hiệu võ đường Long Phụng tại Đà Nẵng. Võ sư Võ Kiểu sinh tại xã Điện Phong, huyện Điện Bàn; hiện cư trú tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1961, ông là Tổng Thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung, hiện là Trưởng ban cố vấn Trường Phổ thông Võ thuật đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Bảo Long sáng lập.

Ngoài đất học, Điện Bàn xưa còn nổi tiếng là đất võ với nhiều võ phái, võ sư lừng danh, trong đó 4 đời nghiệp võ họ Trần Đông Bàn đã để lại một di sản làm phong phú nét văn hóa võ của người Điện Bàn, Quảng Nam, nói riêng và nền võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung…

NGUYỄN QUÝ

 

;
.
.
.
.
.