(ĐNĐT) - Hằng năm, bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng âm lịch, khi tiết xuân hãy còn trải trên hoa ngàn cỏ nội, người dân các vùng đất Túy Loan, Hòa Mỹ, Hòa Phú lại bước vào mùa lễ hội đình làng. Đây là dịp để mọi người dâng lên tiên tổ những điều tốt đẹp đã làm được trong năm qua, cầu mong một năm mới thăng tiến hơn trong đời sống vật chất và tinh thần.
Hội làng trên bến dưới sông
Năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm Đình Túy Loan được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (được công nhận ngày 4-1-1999), người dân Hòa Phong nói chung, làng Túy Loan nói riêng, quay về đình làng với một tâm thế khác mọi năm. Ngôi đình với cây đa cổ thụ soi bóng bên dòng sông Túy Loan lại âm vang tiếng chiêng trống, lung linh đèn hoa và rộn rã bước chân người về.
Trâu cày ruộng bỗng dưng hóa lạ trong mắt người dân Túy Loan. |
Từ chiều ngày mồng 9, lễ hội chính thức được khai mạc sau lễ Rước sắc, Tế thần, cầu quốc thái dân an. Các cụ trưởng thượng xúng xính trong chiếc áo thụng, trai tráng nối theo với trang phục lính thú ngày xưa, kiệu rước sắc nổi bật hẳn lên với những hoa văn, họa tiết cổ kính... tất cả rồng rắn đi qua các ngả đường, làm nên một nét thanh bình giữa làng quê yên ả.
Đến tối, mọi người tập hợp dọc theo hai bên bờ sông theo dõi thả hoa đăng, thả Long chu – một hoạt động mới của lễ hội năm nay, thả thuyền rồng để trừ ôn, tống dịch. Sân đình âm vang tiếng hát, giọng hò của các “nghệ sĩ của nhân dân” ở thôn, ở xã, cùng với các tiết mục văn nghệ của ngành văn hóa – thông tin huyện đưa về.
Tuy nhiên, không khí hội hè chỉ thực sự bắt đầu vào sáng hôm sau, khi phần hội mở ra với các trò chơi dân gian truyền thống. Trên sân đình, tiếng hò reo cổ vũ các cuộc thi đang đến hồi gay cấn. Dưới bến, từng hồi trống giục giã vang vọng suốt một quãng sông. Chưa đến giờ khai mạc giải đua thuyền mà lòng người đã dậy sóng háo hức đợi mong.
Nhưng đình đám nhất vẫn là cuộc thi đua thuyền trên sông. |
Đặc biệt, năm nay cầm tinh con trâu, hội làng mở ra một trò mới là thi cày trâu, gieo hạt. Khán giả hầu hết là người chân quê, không còn lạ gì với cảnh con trâu đi trước cái cày, thế mà vẫn háo hức đứng ken đầy bên phía tây đình để chờ xem 3 chú trâu thi thố tài năng. Có lẽ hình ảnh con trâu xuất hiện bên đình quá đỗi lạ lẫm nên cả người xem và các “thí sinh” đã gặp một số tình huống khá bất ngờ, không có trong “kịch bản”. Vừa khởi động được một lát, hai cày số 1 và số 2 đã mắc vào nhau, hai chú trâu nhảy loạn xạ. Có trâu bị sứt ách, gãy cày giữa đường đua, có chiếc cuốc chỉa bị sút cán sau chỉ mấy nhát cuốc lấp hạt...
Mỗi trò một vẻ, nhưng đình đám nhất vẫn là cuộc thi đua thuyền trên sông. Năm nay, cuộc “đọ chèo” giữa các đình làng gồm Túy Loan, Bồ Bản, Cẩm Toại diễn ra rất sôi nổi. Chưa đến giờ khai mạc, khán giả đã đông kín trên bến sông. Con đường 604 đi qua trước đình chừng như chật lại. Sau lệnh xuất phát, các thuyền lao tới như mũi tên bay trên sông nước. Mỗi khi thuyền nhà đi qua, cổ động viên hò hét đến khản cổ. Thôi thì đủ cả, dậm chân, huơ tay, tạt nước, vẫy nón... cả một quãng trên bến dưới sông như sôi lên dưới ánh nắng đầu xuân. Những cuộc bứt phá của thuyền nhà qua tiêu làm ruột gan cổ động viên như có lửa.
Hội làng giữa phố
Tiếng trống hội khép lại Lễ hội Đình làng Túy Loan vào đêm hôm trước thì ngay đêm sau, tiếng trống khai hội đã vang lên ở sân đình làng Hòa Mỹ và đình làng Hòa Phú, phường Hòa Minh, phớt những nét cọ dân gian lên bức tranh văn hóa truyền thống của đô thị trẻ Đà Nẵng.
Gói các loại bánh Tết truyền thống. |
Hội làng Hòa Mỹ, năm nay bước qua tuổi 16, đã dấy lên biết bao tự tình dân tộc không chỉ trong lòng người dân bản xứ mà với cả khách thập phương. Nguyên là một xã cũ của huyện Hòa Vang, dù ngày nay thuộc phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hòa Mỹ vẫn còn lưu giữ riêng cho mình một nét văn hóa làng giữa lòng đô thị. Qua 15 mùa lễ hội, dòng chảy văn hóa tâm linh đã len lỏi vào đời sống từng gia đình, tộc họ, không cứ là người định cư ở làng lâu rồi hay người mới đến.
Năm nào cũng thế, người dân Hòa Mỹ treo cờ, kết hoa và chong đèn lồng từ cuối tháng chạp âm lịch dọc theo hai bên lề con đường chính dẫn vào đình làng mang tên nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Ban ngày, tất cả bừng lên một sắc thái hội hè trong ánh nắng đầu xuân. Khi đêm xuống, nhìn ánh sáng lung linh huyền ảo nhiều màu sắc phát ra từ những chiếc đèn lồng xinh xinh, người về hội làng có cảm giác như quay về với cội nguồn dân tộc.
Truyền thống hòa quyện với hiện đại khi học trò lễ… |
Trang trọng, uy nghi, đầy hồn Việt là nghi lễ cổ truyền dân tộc, tuy chỉ chiếm một thời lượng không nhiều nhưng cũng đủ khơi gợi trong lòng người những xúc cảm thiêng liêng, thành kính. Các cụ trưởng thượng cùng với các học trò lễ khoan thai, lặng lẽ tiến vào chính đình trong tiếng nhạc bát âm dìu dặt, cung kính hiến dâng lễ phẩm giữa làn trầm hương ngào ngạt.
… và đội trống chào làm nên nét đẹp cho Hội làng Hòa Phú. |
Ở làng Hòa Phú, sau khi đình làng được xây dựng mới hồi ngoái ở khu tái định cư, các hoạt động của hội làng được tổ chức hội hè, đình đám hơn. Sau các nội dung phần hội như thi chạy việt dã, kéo co, bóng chuyền, các trò chơi dân gian, lễ cầu Quốc thái dân an và Chánh kỵ Tiền hiền - Hậu hiền làng Hòa Phú đã diễn ra vào sáng 13 tháng Giêng Kỷ Sửu. Sau một thời gian dài bỏ dở, đến nay các học trò lễ đã có dịp cùng với các cụ trưởng thượng trong làng bày tỏ niềm kính ngưỡng tổ tiên qua những nghi lễ hiến tế truyền thống.
Nét hội làng đầu xuân cho phố trẻ
5 ngày diễn ra liên tục 3 hội làng Túy Loan, Hòa Mỹ và Hòa Phú là một nét đẹp truyền thống rất đặc trưng trên đất Đà Nẵng. Ngoài các hoạt động chính diễn ra trong đình, còn thấy xuất hiện một số loại hình dân gian “ăn theo” hội làng như nặn tò he ở Túy Loan, làm đèn lồng ở Hòa Mỹ.
Trong tim mỗi người dân Việt đều ẩn tàng đâu đó bóng dáng một làng mạc ruộng đồng quê hương mà mái đình, cây đa, bến nước là những hình ảnh khó thể phai mờ theo năm tháng. Chính các hội làng là dịp để tình tự quê hương, dân tộc ấy sống lại trong lòng từng con người, mỗi thế hệ. Và, mỗi khi Tết đến Xuân về, các hội làng đầy bản sắc nhân văn ấy lại đi vào đời sống người dân Đà Nẵng như một giai điệu làm đẹp hơn cho khúc trường ca của nhịp sống đô thị.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ