.

Vui trẩy hội làng

.

Sau mồng mười âm lịch, trong lòng thành phố, hương xuân, sắc xuân vẫn còn thơm nức, bừng sáng trên khắp các nẻo đường. Đâu đó, rộn lên tiếng trống của những hội làng, như mời gọi, thúc giục. Tạm gác lại những bộn bề, lo toan của năm mới, thanh niên nam nữ lại dập dìu đi trẩy hội, vui niềm vui của những người trẻ được sống trong bầu không khí lễ hội thiêng liêng, đầm ấm nhưng không kém phần nhộn nhịp trên chính làng quê mình.

Già trẻ chung sức

Hai thế hệ chung tay gói bánh.

Thông thường, các hoạt động tổ chức lễ hội, cúng bái, cầu an lâu nay đều do những người cao tuổi trong mỗi làng, xã đảm nhận, bởi họ thông thuộc kinh sử và các nghi thức cúng tế, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, khi các lễ hội bớt đi tính nặng nề, cứng nhắc, có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại thì thế hệ trẻ dần bước vào những hoạt động văn hóa dân gian truyền thống này và ngày càng khẳng định được tiếng nói, vị thế của mình.

Lễ hội đình làng Hòa Phú, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) vừa diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13 tháng giêng âm lịch đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia, đặc biệt là lực lượng thanh niên. Ông Võ Văn Phụ, Trưởng ban tổ chức lễ cho biết: “Trước đây, lễ hội của làng thường chỉ được tổ chức giản đơn, thiên về các nghi thức cúng bái, đậm phần lễ, nhưng từ 10 năm nay, chúng tôi kết hợp nhuần nhuyễn cả hai phần lễ và hội, nhằm làm mới hoạt động truyền thống của địa phương, giúp thế hệ trẻ được tham gia và hiểu rõ hơn về những nét văn hóa dân tộc”.
 
Điều này được minh chứng rõ ràng qua bảng chương trình lễ hội đình làng Hòa Phú, ở đó không chỉ có các Lễ chánh kỵ Tiền - Hậu hiền, Lễ Rước Văn, Lễ Vọng, Lễ tế Cô Bác… mà còn có các Hội thi kéo co, cắm hoa, chưng quả, gói bánh, chương trình văn nghệ… Chính những hoạt động này đã mang đến một không khí sôi nổi, nhộn nhịp cho hội làng, đồng thời giúp thanh niên trai tráng địa phương có đất “dụng võ”, được thể hiện sức mạnh, trí tuệ và lòng nhiệt tình của mình.

Như vậy, lễ hội đình làng không chỉ là một nghi lễ đơn thuần diễn ra hằng năm để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận gió hòa, mà còn là dịp để các thế hệ ngồi lại bên nhau, chung nhau gói những chiếc bánh chưng, bày những đĩa hoa quả, ngân vang những câu hò, điệu lý thấm đượm tình dân tộc.

Truyền lửa cho nhau

Làng Hòa Phú có trên dưới 5.000 dân, trong đó khoảng 30% đang ở trong độ tuổi thanh niên, và chỉ ngót nghét gần 100 già làng. Ông Võ Văn Phụ cũng cho biết: “Thường ngày, hầu hết thanh niên trong làng đều đi làm ăn xa, một số khác thực hiện nghĩa vụ quân sự, chỉ có dịp lễ, Tết mới có thể tề tựu đông đủ, chính vì vậy lễ hội đình làng là nơi mà các già làng “tranh thủ” truyền lại cho lớp trẻ những kinh nghiệm quý báu…”.

Tuy nhiên, nhiều cụ lớn tuổi trong làng cũng ghi nhận, không phải người trẻ nào cũng tha thiết với các hoạt động truyền thống, tha thiết được học hỏi, trong đó một bộ phận thanh niên có xu hướng ỷ lại, chỉ thích vui chơi mà không hiểu hết được ý nghĩa lớn lao của các trò chơi dân gian. Anh Trà Thanh Lành, Bí thư chi đoàn khu vực Hòa Phú 1 tâm sự: “Vận động đông đảo thanh niên tham gia Hội làng đã khó, giúp họ hiểu được ý nghĩa của lễ hội, không có những lời nói, hành động, cách ăn mặc đi ngược lại với thuần phong mỹ tục lại càng khó hơn”.

Tuy vậy, vẫn không thiếu những người trẻ thật sự tâm huyết với các hoạt động của địa phương. Bản thân anh Lành cùng một số thanh niên khác là những người chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu “hậu trường” như trang trí, chuẩn bị mặt bằng, âm thanh, ánh sáng, các lễ vật để tiến hành nghi thức cúng bái truyền thống, đồng thời kiêm “đạo diễn” các trò chơi mang tính tập thể cao, các tiết mục văn nghệ vui nhộn, lôi kéo được đông đảo người dân tham gia. Đó là những hoạt động thực sự mang tính cộng đồng, tự nguyện, bởi cái mà họ nhận lại không phải là tiền bạc, vật chất, mà là những kinh nghiệm, những bài học quý báu không chỉ cho chính họ, mà còn cho nhiều thanh niên khác trong làng.

Đâu đó, giữa không khí trang nghiêm, đầm ấm của lễ hội, vẫn thấy thấp thoáng những mái đầu nhuộm xanh đỏ, những chiếc quần lưng xệ, bạc phếch. “Nổi loạn”: tất nhiên, luôn là đặc tính của lớp trẻ, nhưng điều quan trọng là ẩn sâu bên trong những vẻ ngoài bụi bặm đó, vẫn có một ngọn lửa hướng về nguồn cội luôn âm ỉ cháy, điều quan trọng là những thế hệ đi trước phải biết cách khơi dậy ngọn lửa đó, và giữ cho nó cháy mãi.    

 Bài và ảnh: NGUYỆT QUẾ

;
.
.
.
.
.