Sách ngày xưa ít mà tinh. Một tuần không ra hiệu sách được một lần là áy náy vô cùng. Chẳng hẳn là mua, bởi vì đâu sẵn tiền để mua, dẫu một cuốn dày dễ 400-500 trang cũng chỉ dăm ba đồng. Tôi còn nhớ ở quầy sách cũ hiệu sách Nhân Dân Tràng Tiền bán bộ sách 8 tập “Sông Đông êm đềm” có 8 đồng mà chỉ tặc lưỡi thèm suông.
Nhưng riêng tựa đề một cuốn sách mới xuất hiện thôi cũng đủ cho cả một nhóm bạn bè kháo nhau, bàn luận, đôi khi nổi hứng góp tiền đi mua ngay, “kẻo chậm sẽ hết”. Tôi còn nhớ bộ sách dày khủng khiếp, “Tội ác và trừng phạt” của Ông Lớn Đostoevski chỉ ở dạng in roneo để tham khảo thôi, khi được mượn phải hứa đúng 2 ngày phải trả. Dễ sợ thật. Nếu ai không may mắn mượn được thì đọc mươi trang giới thiệu đầu sách cũng tạm hạ cơn thèm.
Ngày nay sách ê hề. Mỗi tháng có tới vài ba trăm tập thơ ra lò. Vài ba trăm tiểu thuyết với những bản bìa ngó qua đã như muốn hút hồn. Bìa simili cứng, chữ nghĩa có cuốn còn mạ nhủ óng ánh. Có những nhà văn choai choai đã sừng sững cả bộ tổng tập, tuyển tập xếp bên cạnh Nam Cao, Lỗ Tấn, Vũ Trọng Phụng, Folkner, Disken... Tên sách đâu, chưa kịp thấy đã đập vào mắt tên tác giả to đùng to đoàng lấp lánh nhũ vàng choán trọn mặt bìa.
Nhìn thế, làm sao lại không nổi tiếng cho được. Đọc đôi lời giới thiệu mới hay, mình còn ngu quá. Một danh nhân lừng lững thế kia sao không biết nhỉ. “Trong tâm hồn đẫm hương sắc phương Đông của nhà thơ là sự giao hòa nền thơ Việt với nền văn hóa nhân loại . Tài năng nhà thơ đang đến độ chín... Thơ anh đòi hỏi ta phải suy ngẫm, chiêm nghiệm - lối thơ này từng có ở Đỗ Phủ, và một số nhà thơ lớn phương Đông khác...”.
Ấy là lời giới thiệu một thi nhân tỉnh nọ “Chân thiện mỹ, hòa đồng trong một âm hưởng hướng vào cõi tâm của người đọc, vừa là cõi người trong thực thể vừa là cõi đời hư vô, mà rất đời, rất người...”. Ngỡ là một thi nhân đằm mình trong cõi vô vi mà chiêm nghiệm, suy ngẫm sự đời. Nhưng khi đọc mấy câu thơ dẫn thì... thường đến nỗi chẳng muốn trích ra. Cái bệnh độn mình như “đi cà kheo” còn lây sang cả giới hội họa. Tranh ông, giá trị đến đâu, quả tôi không mấy tường. Nhưng lời ngợi ca họa sĩ bằng song ngữ Việt - Anh thì kịch trần”...
Hằng ngày tôi ngắm tranh anh, không ngày nào không phát hiện ra những ý tứ mới mẻ ngụ trong sắc màu huyền ẩn. Tranh của anh đã cho tôi thêm sức sống... Tôi càng cảm phục tài năng, sức lao động sức sáng tạo lớn của anh... Những tác phẩm của họa sĩ đã ghi dấu ấn trong tôi rất giàu chất thơ, chất nhạc...”. Lại cũng rất tình cờ cầm một cuốn sách có lẽ là lý luận, lại cũng những lời gọi là “hồi âm” của quý độc giả. “Những yếu tố mà anh (tôi tạm không ghi rõ tên) đưa ra là những điều kiện cốt thiết không thể thiếu trong hành trang của mỗi nhà văn...”, toàn những lời lẽ như dao chém. Tôi huých tay một nhà văn nhỡ nhỡ đi cùng.
- Hành trang của ông có thứ này rồi chứ?
- Hỳ, được tặng nhưng... thì giờ đâu mà xem.
- Thế thì ông phải kiểm tra xem có xứng đáng là nhà văn không đấy.
Cứ như lời bình phẩm trên quả có chút ít giá trị thì ông Chủ tịch hội phải kiểm tra trước khi xét duyệt hội viên mới, xem anh ta, chị ta đã có hành trang cốt thiết không thể thiếu được này chưa. Lại thêm một tình cờ, nhưng không phải ở hiệu sách mà trong nhà, bạn tặng. Ấy là sách in chung có lẽ của chừng năm mươi tác giả tập hợp lại.
Mỗi người chỉ được vẻn vẹn chừng mười lăm hai mươi trang để in tác phẩm, nhưng ông bạn tôi cũng hào phóng dành hẳn 3 trang để tự bạch. Những lớp đào tạo dài hạn, những chức vụ đã kinh qua và được chốt lại ở chức vụ danh giá nhất. Còn sự nghiệp văn chương thì... chi chít. Văn xuôi truyện ký, thơ cho người lớn, trẻ em, kịch bản sân khấu, hoạt hình.
Anh cũng không quên kê thêm cả những tác phẩm được mở đóng trong ngoặc lớn là (mất bản thảo). Đứa con tinh thần đã đánh mất dễ mấy mươi niên rồi vẫn còn được ông liệt kê vào sự nghiệp vượt thời gian, không chỉ cho bản thân nhớ mà cho cả độc giả phải đọc mà ghi nhận không để thiếu. Cái tình... tự yêu mình đến vậy, không thể không nghiêng mình.
“Như một cô gái đi thi sắc đẹp. Đôi guốc cao gót có thêm cho cô 15, thậm chí 20 phân nhưng chiều cao thực của cô không vì thế mà cao thêm... Trong làng văn cũng không hiếm những người giỏi, đi guốc, thậm chí đi cả cà kheo... Dù anh có vùng vẫy đến đâu thì cũng không thể thoát được cái vị trí định mệnh của anh trong văn chương”. Có một nhà thơ, không hiểu ông sống ra sao, nhưng trong một bài ông viết, đọc cũng thấy có lý đấy chứ. Liệu có cần bình luận gì thêm.
Nhất Ngôn
.
.
Đối thoại một mình
Thêm râu ria làm gì
Chủ Nhật, 08/03/2009, 07:03 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.