.

Nhức nhối bản quyền tác giả Mỹ thuật Việt Nam

.

Đó là một thực trạng đang báo động được đề cập tại Hội thảo “Bản quyền tác giả trong lĩnh vực Mỹ thuật Việt Nam - thực trạng và giải pháp” vừa được Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Dự án Điêu khắc Đà Nẵng, Hiệp hội phát triển bản quyền Na Uy, Cục Bản quyền tác giả, Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

 Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên những giải pháp cơ bản nhằm bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật.

Theo đánh giá chung tại hội thảo, từ khi có chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới, Mỹ thuật Việt Nam đã thực sự khởi sắc, phát triển nhanh chóng, đa dạng, phong phú. Một không khí sáng tác, triển lãm nhộn nhịp, cởi mở với luồng sinh khí mới; nhiều tác phẩm, công trình đã ra đời, các cuộc triển lãm Mỹ thuật diễn ra khắp cả nước đã thực sự góp phần vào việc nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật,  giáo dục thẩm mỹ, đem đến một đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân. Các tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam đã được tiêu thụ với số lượng khá lớn trong những năm 90 của thế kỷ XX. Hiện nay, tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam có một vị trí quan trọng trong khu vực, đồng thời thị trường Mỹ thuật trong nước đã bắt đầu hình thành và phát triển.

Bên cạnh những mặt tích cực thì một số hệ lụy như vấn đề bản quyền tác giả, tranh giả, tranh nhái trong những năm gần đây đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong giới Mỹ thuật và những nhà quản lý văn
hóa. Tranh giả đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ thuật Việt Nam trên thị trường mỹ thuật thế giới.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khẳng định, ở Việt Nam hiện nay, những trung tâm Mỹ thuật lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) có hàng trăm cửa hàng bán tranh, trong đó có không ít cửa hàng bán tranh giả, tranh nhái, tranh sao chép không đúng quy định, bày bán la liệt. Các tác giả bị xâm phạm bản quyền thường là những họa sĩ đang được thị trường nước ngoài chú ý như: Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thiết Cương…

Bên cạnh những cửa hàng bán công khai với những loại tranh có mức giá thấp, còn có một lực lượng ngầm không công khai, hoạt động một cách tinh vi, có sự liên kết, cũng tổ chức triển lãm, in sách, giới thiệu ở trong và ngoài nước, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho thật - giả lẫn lộn. Gần đây, vụ một hãng đấu giá nước ngoài tổ chức đấu giá tranh giả của danh họa Bùi Xuân Phái, hay những vụ việc khác liên quan đến tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…

Đó là một trong muôn hình vạn trạng cách vi phạm đối với các tác phẩm hội họa. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tranh cổ động, logo cũng có những vụ việc vi phạm bản quyền. Những tác phẩm điêu khắc ngoài trời cũng có những biểu hiện sao chép, vi phạm bản quyền. Thậm chí, tranh giả, tranh sao chép có lúc còn qua mặt được cả những tập thể hội đồng nghệ thuật và được giải khá cao ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc…

Để từng bước chấn chỉnh, đi đến chấm dứt tình trạng trên, theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Trước hết, mỗi họa sĩ phải tự bảo vệ mình, lên án các hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực Mỹ thuật đối với cá nhân và tập thể có sai phạm; phải làm cho những người lâu nay không tôn trọng quyền tác giả trong Mỹ thuật hoặc đang hành nghề sao chép tranh thấy được những vi phạm nghiêm trọng để sớm chấm dứt mọi hành vi xấu, vi phạm pháp luật. Cần thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả Mỹ thuật nhằm tổ chức theo dõi, phát hiện, đề xuất, góp phần xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả.

Còn họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Quảng Trị thì cho rằng, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả cần phải nhanh chóng đưa ra đối sách, cũng như dự tính thời gian hợp lý cho việc thực hiện các thay đổi cần thiết để có thể thực thi có hiệu quả các quy định về quyền tác giả; hướng dẫn chi tiết và toàn diện hơn đối với từng loại hình đối tượng để triển khai thực hiện; đưa chương trình giáo dục pháp luật về bản quyền tác giả trở thành môn học bắt buộc cho sinh viên các trường mỹ thuật, các trường văn hóa-nghệ thuật trong cả nước…

Có lẽ làm được như trên mới bảo vệ và từng bước lấy lại uy tín của Mỹ thuật Việt Nam, cho từng cá nhân nghệ sĩ; tạo điều kiện động viên, phát triển được sự sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.