Văn hóa - Giải trí

Tờ báo song ngữ đầu tiên ở miền núi xứ Quảng

08:06, 21/06/2009 (GMT+7)

Vào tháng 5-1959, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn (trực thuộc Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam) cho ra đời bản tin Gung Dưr (Vùng Lên) – tờ báo bằng hai thứ tiếng phổ thông và Cơtu đầu tiên ở miền núi Quảng Nam.

Học chữ phổ thông tại Trường mẫu giáo Hướng Dương, xã M’Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam. (Ảnh minh họa của V.T.L).

Năm 1959, nhằm làm phá sản chiến dịch “Thượng du vận” của địch ở miền núi Quảng Nam, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, nhằm khắc phục tình trạng đói ăn, thiếu muối, hạn chế bệnh tật của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi của tỉnh; đồng thời có kế hoạch dạy cái chữ, nhằm từng bước nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào.

Trên cơ sở phát triển rộng rãi phong trào học chữ dân tộc thiểu số, tờ tin Gung Dưr ra đời và đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên, cổ vũ phong trào cách mạng ở miền núi tỉnh Quảng Nam.

Để ra được một tờ tin bằng chữ viết Cơtu, cần một quá trình chuẩn bị công phu từ việc soạn văn bản đến tìm phương tiện, mực, giấy để in ấn trong thời buổi quá khó khăn, ác liệt lúc bấy giờ. Để làm bản thạch, Ban Tuyên huấn phải nhờ một người ở đồng bằng chuyển lên cho một tấm đá Non Nước. Việc vận chuyển tấm đá lúc đầu tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay vào mới thấy rất khó khăn bởi sự canh gác cẩn mật của bọn địch.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoa, người dân tộc Cor, thông qua một lái buôn tên là Phạm Minh, quê ở Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, nhờ người em của ông này dưới xuôi chuyển đá lên, nhưng muốn mọi sự trót lọt thì phải khắc tên lên mặt đá như là tấm bia mộ. Đến Tam Lãnh rồi, việc chuyển tấm đá từ đó về Trà My là một việc làm không dễ chút nào, bởi theo phong tục tập quán của người Cor, người chết không dùng bia đá để dựng trên mộ. Năm Truyền, một đảng viên người Cor, đã đưa ra sáng kiến cho tấm bia mộ vào giữa bao muối để mang về.

Có được tấm bia đá rồi, các bộ phận in cần phải dùng ru-lô của một máy đánh chữ cũ làm ru-lô in. Mực in thì tạm thời dùng khói đèn, khói bếp trộn với dầu rái. Ban biên tập gồm có: Cooh Ta lang (Lê Hồng Mao), Cooh Yêm (Lê Văn Nam), Ba Bên, Nguyễn Trung và A Nhết, do đồng chí Cooh Axơơp (Quách Xân) phụ trách. Cộng tác viên là đông đảo cán bộ và nhân dân các huyện trong miền.

Tháng 5-1959, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ tin Gung Dưr ra số đầu tiên. Thời gian đầu ra hai tháng một kỳ, tiến đến mỗi tháng một kỳ, rồi một tháng 2 kỳ với số lượng khoảng 200 tờ. Trong các dịp lễ như Quốc tế Lao động (1-5), Sinh nhật Bác Hồ (19-5), Quốc khánh (2-9), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12)... có in chân dung Bác, bài viết về Bác.

Nội dung của tờ tin Gung Dưr chủ yếu nhằm phổ biến chủ trương, đường lối của Tỉnh ủy Quảng Nam, của Ban Cán sự miền Tây và của Đảng bộ các địa phương; đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào đoàn kết, giúp nhau tăng gia sản xuất, phòng chữa bệnh tật và học cái chữ, nhằm xóa bỏ các tập tục lạc hậu và có tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến chống Mỹ-ngụy. Để đồng bào đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu, Ban biên tập đã cố gắng biên soạn nội dung rất phong phú nhưng ngắn gọn, bám sát vào tình hình thực tế của địa phương các huyện miền núi, bảo đảm phản ánh một cách trung thực, chính xác. Tờ tin lúc đầu viết bằng tiếng phổ thông, sau đó Ban biên tập phiên ra tiếng Cơtu.

Tờ tin Gung Dưr ra đời được nhân dân các huyện miền núi Quảng Nam phấn khởi và tìm đọc rất đông, nhất là thanh niên, vào những buổi tối quanh bếp lửa hồng họ chuyền tay nhau đọc một cách thích thú.

Việc cho ra đời tờ tin Gung Dưr có phiên âm bằng chữ viết của đồng bào dân tộc Cơtu là một thành công rất lớn của Tỉnh ủy, của Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam lúc đó. Tờ tin đã góp phần làm thay đổi đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi; nhờ đó mà các cấp ủy và cán bộ cơ sở đã có được chữ viết để làm báo cáo gửi cho cấp trên và đọc được những hướng dẫn của cấp trên gửi xuống chỉ đạo phong trào.

Ngoài ra, nhờ tờ tin mà phong trào văn hóa-văn nghệ phát triển mạnh, tạo nên diện mạo đời sống văn hóa mới trong các buôn làng, phong trào cách mạng ở miền núi không những được giữ vững mà còn phát triển mạnh và là chỗ dựa, căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng trong việc thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Tờ tin Gung Dưr ra số cuối vào đầu năm 1974.

PHẠM VĂN BÍNH

(Bài viết có tham khảo tài liệu “Lịch sử Đảng bộ QN-ĐN (1930-1975)”, “Những sự kiện lịch sử huyện Giằng 1885-1975”).

 

.