Đà Nẵng tự hào có Bảo tàng Chăm - “viên ngọc quý” duy nhất của Việt Nam, cũng là duy nhất của thế giới. “Bảo tàng lưu giữ ký ức qua những hiện vật, đồng thời bản thân Bảo tàng cũng có những ký ức của riêng mình”. Cuộc gặp mặt “Những người bạn của bảo tàng (BT): các chuyên gia và công chúng”, với chủ đề “BT và ký ức” đã nhấn mạnh như vậy.
Mở đầu chương trình tọa đàm là phát biểu thân tình của nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định Bảo tàng là một địa chỉ lưu giữ và truyền bá tri thức với những dẫn chứng giản dị, gần gũi như câu chuyện về cái cày của người Việt có thể giúp chúng ta hiểu được con đường đi, quá trình ứng phó với tự nhiên của cha ông ta như thế nào khi còn ở trên núi, khi xuống trung du, đồng bằng… Qua hiện vật, đồ vật để hiểu lịch sử, do đó, những tri thức BT mang lại luôn bảo đảm tính khách quan, cô đọng và đáng tin cậy. Tác giả truyện ngắn “Rừng xà nu” năm nào cũng đề xuất những phát hiện thú vị về mối quan hệ giữa văn hóa Chàm (Chăm) và văn hóa Quan họ như một sự giao thoa tự nhiên giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình; mối quan hệ giữa thơ Chăm và thơ lục bát…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An trải lòng mình qua những kỷ niệm khó quên về Bảo tàng Chăm gắn với những thời điểm trọng đại của lịch sử đất nước, của thành phố. Ông cũng bày tỏ niềm tự hào không nói hết khi Đà Nẵng có BT Chăm. Xen lẫn niềm tự hào là nỗi lo âu của một người có tâm với sự nghiệp BT khi mà lúc này dường như BT Chăm vẫn chưa thể trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân Đà Nẵng. Vậy “viên ngọc” này dành để cho ai???
Sau dòng tâm sự dạt dào cảm xúc của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy “Bảo tàng Chăm và ký ức tuổi thơ tôi”, buổi tọa đàm ghi nhận những đóng góp thiết thực của chuyên gia và công chúng cho sự nghiệp BT như nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh hiến tặng BT Chăm sưu tập “Những mảnh vỡ văn bia”; ông Arlo Griffiths (người Pháp) giới thiệu bước đầu công trình nghiên cứu văn bia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng; kiến trúc sư Phạm Phú Bình đề xuất ý tưởng kiến trúc Bảo tàng Chăm thế kỷ 21; ông Nguyễn Chiều (chủ trì đoàn khai quật) thông tin về hoạt động khảo cổ sưu tầm hiện vật tại khu phế tích Chăm mới phát hiện ở phường Hòa Thọ Đông…
Tại đây, “những người bạn của BT” cũng đã được chiêm ngưỡng 100 bức ảnh và các trang văn bản tài liệu, trưng bày “BT Chăm: Ký ức và phát triển” giới thiệu quá trình 100 năm địa chỉ văn hóa độc đáo này. Đó là bản báo cáo của các nhà khoa học Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương vận động xây dựng Bảo tàng tại Tourane (Đà Nẵng) từ những năm đầu thế kỷ 20; những tấm ảnh các công nhân Việt Nam tham gia khai quật, thu thập hiện vật trong những ngày đầu hình thành BT; bút tích ghi lại ý kiến của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng…
Dịp này, BT Chăm cũng khởi động tổ chức các hoạt động giáo dục BT nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Đối tượng đầu tiên BT hướng đến là các em học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố bằng những việc làm cụ thể: Trong các buổi tham quan BT sẽ có thuyết trình sâu và tặng các tài liệu phù hợp với lứa tuổi; được vẽ, chụp ảnh hiện vật; được phát biểu ý kiến góp ý…
Được biết, đây là những hoạt động mở đầu trong chương trình chào mừng 100 năm Bảo tàng Chăm (1915-2015) đang đến gần.
Buổi gặp mặt “Những người bạn của BT: các chuyên gia và công chúng” với chủ đề “BT và ký ức” diễn ra sáng 18-5 do Bảo tàng điêu khắc Chăm, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp tổ chức nhân Ngày quốc tế Bảo tàng (18-5). Đây cũng là dịp Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh ra mắt ở Đà Nẵng, hứa hẹn có nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, hiệu quả trong thời gian tới.
Thanh Tân