.

Tấm lòng văn nghệ sĩ Đà Nẵng đối với Bác Hồ

.
Qua hơn 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giới văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng đã có nhiều sáng tác thể hiện đề tài này bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, trong đó, sôi nổi nhất là lĩnh vực văn học.

Mô tả ảnh.
Nhà thơ NGUYỄN NHO KHIÊM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố: Sáng tác bắt nguồn từ đời sống thực tiễn của thành phố

Hồ Chí Minh luôn xác định văn chương phải đạt tới tính chân thật. Văn nghệ sĩ phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn, tránh lối viết xa lạ, cầu kỳ, ngôn ngữ phải trong sáng, nội dung phải sâu sắc, thể hiện tinh thần dân tộc.

Đòi hỏi tính chân thực của văn nghệ, Người đã bám sát hiện thực cuộc sống để miêu tả chân thật cuộc sống và con người. Xác định tinh thần thép của văn chương, Người đã chủ động sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt rất nhiều thể loại và ngôn từ, các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau để phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng.

Học tập tinh thần của Người trên lĩnh vực văn học, Hội Nhà văn thành phố đã phát động cuộc vận động sáng tác văn học với chủ đề “Gương sáng Bác Hồ” và nhận được 80 tác phẩm của 43 tác giả gửi đến tham dự. Đó là các sáng tác văn, thơ, nghiên cứu bắt nguồn từ đời sống thực tiễn của thành phố, thể hiện rõ tinh thần vừa học tập, vừa làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức của Bác trong sáng tác văn học và trong đời sống.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với NXB Đà Nẵng biên soạn và xuất bản tập thơ viết về Bác của các nhà văn, nhà thơ Khu 5 trước đây và Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay - tập “Gửi lòng con đến cùng Cha” theo tên một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn viết ngày Bác ra đi. “Có thể coi đây như những tấm lòng, những nén tâm hương tưởng nhớ Bác của những đứa con ở khúc ruột miền Trung bao năm khắc khoải mong chờ ngày thống nhất để được đón Bác vào thăm nhưng mãi mãi chẳng bao giờ còn được gặp Bác” như Lời nói đầu tập thơ đã viết.

Mô tả ảnh.
Nhà văn NGUYỄN KIM HUY, Trưởng ban Biên tập NXB Đà Nẵng: Bác Hồ là cội nguồn cảm xúc lớn lao

“Từ Người tỏa ra một nền văn hóa”, một nhà thơ Nga đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy. Người là một nhà văn hóa lớn, là một nhà thơ lớn và chính Người cũng lại là một nguồn cội cảm xúc lớn lao cho mọi nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ thế giới và Việt Nam viết về Người.

Người là vĩ nhân, nhưng lại cũng vô cùng giản dị. Sự giản dị của thiên tài, của văn hóa và của cái chân thiện mỹ đã đạt đến sự hoàn hảo. Sự giản dị của con người, của cuộc sống đời thường, của từng khoảnh khắc cuộc sống nhưng lại có ý nghĩa của lịch sử, của muôn đời! Bản thân tôi đã có lần cố gắng viết về điều này ở Bác trong bài thơ “Những điều đơn giản”:

Bát cháo trứng
Những ngày gian khổ ở rừng
Bác mang đến người cao tuổi
Quả táo ngon
Trong bữa tiệc trọng thể ở Pháp
Bác cầm tay trao em bé Paris
... Trọn cuộc đời lãnh tụ
Người không quên những điều             đơn giản - ân tình
Như một điều giản dị
Người là Hồ Chí Minh
Tên Người muôn đời thắp sáng                            niềm tin! 

Để tiếp tục có những sáng tác thơ văn hay viết về Bác, thiết nghĩ cần có những cuộc hội thảo trao đổi nghiêm túc về đề tài lớn này, cũng như có các chuyến đi thực tế về quê Bác và những nơi đã in lại dấu chân, hình ảnh Người, và đặc biệt cần có một chế độ đầu tư khuyến khích kịp thời và đúng mức việc xuất bản các tác phẩm thơ văn đạt chất lượng nghệ thuật viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Và nên chăng, có thể tổ chức những cuộc thi thơ văn viết về Bác thật rộng rãi và sau đó sẽ tập hợp để xuất bản những tác phẩm thật sự có giá trị, đạt yêu cầu và đủ sức đáp ứng sự mong mỏi của bạn đọc?

Mô tả ảnh.
Nhà thơ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng: Qua thực tế, sẽ có tác phẩm có chất lượng

Là một người viết trẻ, bản thân tôi ý thức được trách nhiệm của người cầm bút trước Cuộc vận động lớn mà Đảng, Nhà nước phát động sâu rộng trong gần 5 năm qua, đây là cơ hội để tôi thể hiện khả năng thích ứng và sự rèn luyện tố chất của người cầm bút. Với năng lực bản thân, tôi chỉ mới viết được một tác phẩm Thơ hướng về Bác, hướng về Cuộc vận động đầy ý nghĩa này nhân dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là tấm lòng của một người cháu, người con ở miền Trung hướng về Bác Hồ, hướng về thủ đô Hà Nội với niềm tự hào và vinh dự của thế hệ trẻ. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, hình ảnh Bác Hồ và tấm gương của Người mãi mãi chiếu rọi tận ngàn sau.

Đối với Hội Nhà văn thành phố, từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, Hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật nhằm thu hút đông đảo hội viên tham gia và hưởng ứng bằng nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, những tác phẩm này chỉ mang tính tuyên truyền hơn là những giá trị văn học để trở thành những tác phẩm lớn.

Vai trò của Hội đối với Cuộc vận động này chính là ở chỗ phải biết được những tâm tư, nguyện vọng của hội viên và khi đưa ra một chương trình hành động nào, một hoạt động sáng tác nào cũng cần định hướng rõ ràng và cụ thể. Như thế mới có được những tác phẩm có chất lượng và phù hợp với tiêu chí đề ra của cuộc vận động này. Tôi nghĩ, một trong những hoạt động thiết thực là Hội có thể tổ chức những đợt về nguồn như thăm Bảo tàng Quân khu 5, về làng Sen quê Bác, chiếu lại phim về Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… nhằm tạo thêm chất xúc tác đối với các hội viên. Qua thực tế, sẽ có tác phẩm có chất lượng.

VĂN THÀNH LÊ (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.