Tác giả của Đà Nẵng tình người - nhạc sĩ Đình Thậm vừa ra mắt công chúng ca khúc mới Huyền diệu sông Hàn, phỏng thơ Đỗ Quý Doãn.
Ca khúc Huyền diệu sông Hàn (lúc đầu có tên Đà Nẵng người tình) được nhạc sĩ Đình Thậm hoàn chỉnh vào cuối năm 2012, đầu năm 2013, qua sự thể hiện của ca sĩ Thanh Thanh Hiền, Quang Hào và chính tác giả. Ông kỳ vọng đây là món quà ý nghĩa tiếp tục dành tặng Đà Nẵng sau 12 năm ghi dấu ấn trong lòng công chúng với Đà Nẵng tình người.
Với Đình Thậm, mỗi ca khúc được viết ra đều là những giây phút ông thăng hoa, nồng cháy nhất với tình người, tình đời. Ảnh: THANH TÂN |
“Không phải lời tới đâu, nhạc bâu tới đó…”
Nhạc sĩ Văn Dung - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, tác giả Những bông hoa trong vườn Bác - khi nghe Huyền diệu sông Hàn đã thốt lên rằng “không phải lời tới đâu, nhạc bâu tới đó…” (như không ít ca khúc vẫn hiện hành), qua Đình Thậm, Huyền diệu sông Hàn không còn là thơ nữa, nó thực sự trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập của chính Đình Thậm.
Nhạc sĩ Đình Thậm nói rằng, chỉ với hai tiếng đồng hồ, ông có thể làm ra một bài nhạc trên nền thơ có sẵn, và với những người nghe không khó tính thì hoàn toàn nghe được. Nhưng để làm ra một tác phẩm âm nhạc thực sự có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và nhạc thì rất khó. Thơ là cái ngẫu hứng, khi người nhạc sĩ muốn ca ngợi vùng đất này, con người này…, nhưng họ chưa khái quát được, chợt gặp một tứ thơ nói điều bấy lâu mình ấp ủ thì sẽ hòa nhập. “Phải hòa nhập để biến câu thơ thành tâm sự của chính mình mới mong có sáng tác của riêng mình được”, nhạc sĩ Đình Thậm nói.
Cũng theo tác giả của Đà Nẵng tình người, có một bài thơ hay không hẳn sẽ có một bản nhạc hay, người nhạc sĩ sáng tạo phải biết gạn lọc những ý thơ tinh túy nhất. Như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nếu “tham” cả bài Biển của Xuân Quỳnh thì không thể có Thuyền và biển hay đến thế. Bằng sự tinh tế, sự nhạy cảm của người nhạc sĩ, Phan Huỳnh Điểu chỉ vận dụng khổ cuối của Biển để biến bài thơ thành khúc tình ca bất hủ. Cũng như Hoàng Hiệp và nhiều nhạc sĩ tài năng khác, không ai có thể có một tác phẩm âm nhạc hay, nếu cứ buộc âm nhạc phải “chạy theo” toàn bộ lời thơ có sẵn.
Với Huyền diệu sông Hàn, nếu Đình Thậm bê nguyên bài thơ của Đỗ Quý Doãn thì hẳn âm nhạc sẽ có những đoạn bị hỏng hoàn toàn. Theo ông, khi lấy được ý thơ hay rồi, phải xây dựng nền nhạc khúc chiết, mạch lạc và phải tuân thủ nghiêm ngặt kết cấu của âm nhạc, của giai điệu, nhạc lý, sau đó mới đưa lời vào, những câu chữ không hợp nhất định phải bị loại ra, hoặc được diễn đạt lại, nhất định không thể gò nhạc theo lời. Như cấu trúc đoạn 2 của Huyền diệu sông Hàn, được bắt đầu bằng chữ “nhớ” thì giai điệu phải đi lên, chứ không ngang hay đi xuống: “Cứ nhớ hoài giọng nói nghe nằng nặng/ Lưu luyến hoài câu hát lý thương nhau…”, còn nếu nhớ “những năm tháng chiến tranh/ Thời khốc liệt đã lùi vào quá khứ” (Đỗ Quý Doãn) thì giai điệu sẽ bị kéo xuống. Vậy là, trong nỗi nhớ ngổn ngang của thi sĩ, người nhạc sĩ phải gạn lọc lại để ca khúc có thể vút lên, lay động lòng người.
Trừ nhạc trẻ, theo Đình Thậm, viết ca khúc về quê hương, tình đất, tình người phải dựa vào dân ca. Đưa dân ca vào ca khúc là cả sự kỳ công, đòi hỏi sự am hiểu tường tận âm vực dân ca các vùng, miền. Không cẩn thận, “chỉ cần lớ một chút có thể ra dân ca miền Bắc, lớ một chút có thể thành dân ca Nghệ Tĩnh, Huế, Quảng Bình, lớ thêm chút nữa có thể lẫn lộn với dân ca miền sông nước…”, nhạc sĩ Đình Thậm dẫn giải.
Và nếu Đà Nẵng tình người khiến người nghe bảng lảng câu dân ca, điệu lý nào đó ở khu vực Nam Trung Bộ thì đến Huyền diệu sông Hàn, tác giả có chủ ý ngay từ đầu, ông lấy chất liệu lý tang tích dân ca Khu 5 làm nền nhạc của ca khúc. Cái tài của Đình Thậm ở chỗ, trên nền dân ca thấm đượm ý vị quê kiểng ấy, vẫn bật lên sức sống của thành phố trẻ đang trỗi dậy từng ngày: “Những con đường rộng mở thênh thang/ Những chiếc cầu nối bao khát vọng/ Những công trình vươn tới những tầm cao/ Đà Nẵng ơi, huyền thoại mới bắt đầu…”.
Mỗi ca khúc là một câu chuyện
Đình Thậm hiện là tác giả của hàng trăm ca khúc; riêng sáng tác về Đà Nẵng, nhẩm tính sơ sơ cũng trên dưới 40. Sáng tác nhiều nhưng không có nghĩa “cứ đụng đâu viết đó”, Đình Thậm chỉ viết nhạc khi cảm xúc đã chín và điều đặc biệt, với ông mỗi nhạc phẩm là một câu chuyện rất cụ thể, với những rung động rất thật. Đó có thể là câu chuyện gắn với người bạn thơ, là phút lắng lòng khi bắt gặp khoảnh khắc xúc động của một nhạc sĩ ngồi trước biển quê hương, khi chia sẻ tâm sự cùng một người bạn trên đỉnh Bà Nà, khi hóa thân vào câu chuyện của cô gái Hải Phòng có người tình ở Đà Nẵng…
Bài thơ Nhớ Đà Nẵng của Đỗ Quý Doãn được một người bạn gửi nhờ Đình Thậm phổ nhạc cách đây đã 5-6 năm, nhưng phải đến thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, trong khoảng 10 ngày, trong niềm lưu luyến trước sự ra đi của một người thầy, người anh, người bạn thì Huyền diệu sông Hàn ra đời. Huyền diệu sông Hàn là Đà Nẵng với những gì đẹp nhất trong nỗi nhớ, trong tâm khảm của người đi, của người luôn hướng về thành phố biển: “Cứ nhớ hoài giọng nói nghe nằng nặng/ Lưu luyến hoài câu hát lý thương nhau/ Một vùng đất với lòng người ngay thẳng/ Tình thủy chung mộc mạc đến vô cùng”…
Nhạc sĩ - NSƯT Đình Thậm tên thật là Nguyễn Đình Thậm, sinh năm 1958, quê gốc Quảng Ngãi, là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hiện là Giám đốc Nhà hát Trưng Vương - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng. Ca khúc được yêu mến: Chỉ còn biển thôi, Miền Trung quê mẹ, Đà Nẵng tình người, Đà Nẵng mộng mơ… Một số giải thưởng: Huy chương vàng Biển hát 1993; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 1996; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1998; Giải thưởng ca khúc viết cho thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh 2010… cùng nhiều giải thưởng, bằng khen của Bộ VH-TT&DL cũng như của thành phố Đà Nẵng. |
THANH TÂN