Ở cái tuổi xấp xỉ 90, bà ngoại tôi mắt đã kém, lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn lắm. Mỗi dịp về thăm, ngoại tay bắt mặt mừng nói chuyện huyên thuyên. Bà còn bảo: “Tao sắp đi tìm người yêu cho ông bây!”. Mới nghe thì thấy buồn cười nhưng đó lại là cả nỗi buồn day dứt không chỉ của ngoại mà còn của cả ông. Và đằng sau câu chuyện ấy, tôi rất cảm phục lòng bao dung, nhân từ của ngoại. Với tôi, ngoại là người phụ nữ xưa nay hiếm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ông là người có học thức, từ chuyện đông tây kim cổ ông đều biết. Đặc biệt, tôi phục ở ông là việc thuộc vanh vách truyện Kiều. Ông còn có đôi mắt sáng tinh anh. Có lẽ vì vậy thời trai trẻ, ông có nhiều phụ nữ theo. Số ông đào hoa, lại đa tình, đa cảm nên luôn làm ngoại đau lòng. Ngoại từng nén nỗi đau riêng để đi hỏi vợ hai cho ông với một người phụ nữ trong làng trẻ, đẹp hơn ngoại. Sau này, nhà bà hai nghèo khó, ngoại còn nhận nuôi luôn con trai đầu của bà hai kể từ lúc cậu còn đỏ hỏn trong nôi đến khi khôn lớn, trong khi ngoại phải nuôi 7 người con của mình. Vậy mà hôm rồi, ông còn bảo ông phải đi tìm một bà nữa, nghe đâu sống ở Bình Dương hay Đồng Nai gì đó. Nhưng ngoại không buồn bởi đó là ước nguyện của ông lúc cuối đời.
Chả là trước đây ông quen một cô người Quảng Bình nhưng trăn trở lớn nhất của ông là không biết người đó có con với mình hay không. Việc ông nói với ngoại rằng, ông còn thêm một đứa con gái nữa với bà ba mà ông chưa tìm ra như một chuyện động trời đối với con cháu. Ai cũng thắc mắc sao ông có thể giấu được câu chuyện tình bi đát kéo dài hơn nửa thế kỷ. Mà ở sau cái vườn rộng khuất mấy tầng dương xanh, làm sao ông có được những thông tin về bà ấy ở tận trong Nam khi ông chỉ quanh quẩn trong nhà. Ấy vậy mà ngoại vẫn cười rất tươi. Ngoại bảo: “Nếu ông không đi được thì tôi đi tìm cho”. Ngoại còn đọc mấy câu thơ trêu ông mỗi khi có con cháu về thăm. Ngoại khuyên tôi: “Sao chưa lấy vợ cho rồi, học hỏi ông mày kìa! Lúc nào rảnh thì về đây nghe ông mày tâm sự, cũng có thể viết được cả khối tiểu thuyết”. Chắc ngoại phải bao dung, độ lượng và thương ông lắm mới động viên, an ủi ông như thế.
Trong khi con cháu xem đó là chuyện vui có một không hai trên đời đối với ông ở tuổi gần đất xa trời thì ông lại rất buồn, thoáng trong cái cười ngượng ngạo là ánh mắt nhìn lúc nào cũng xa xăm, xa xăm. Ông từng chia sẻ nghiêm túc với tôi: “Trước lúc về với tổ tiên, ông chỉ có một mong muốn duy nhất là vào Nam để tìm người yêu cách đây 60 năm về trước, xem bà ấy sống ra sao, đặc biệt là tìm lại đứa con ngày xưa”. Ông bảo, ngày đó chiến tranh loạn lạc, khi ông trở lại tìm bà thì bà đã đi sơ tán rồi. Rồi ông hỏi chuyện riêng tư của tôi như thể ông muốn tìm một người bạn tâm đầu ý hợp để chia sẻ.
Mấy cậu mợ ai cũng lo cho ông, vì ở cái tuổi ấy làm sao ông có thể đi xe, đi tàu được. Dù thương ông nhưng cũng không ai bảo đảm sức khỏe của ông là không mệnh hệ gì để đưa ông đi. Còn ngoại, ngoại sợ con cháu phải bỏ công bỏ việc vì chuyện của ông nên ngoại cứ nằng nặc “để tao đưa ông bây đi”.
Hôm rồi nghe đứa bạn thân kể, nó vừa chia tay người yêu đã quen gần 3 năm trời vì mấy cái tin nhắn vớ vẩn của cô nào đó trong điện thoại bạn trai, tự nhiên thấy thương ngoại và phục ngoại vô cùng. Chắc ngoại phải trải qua nhiều đau thương, mất mát lắm nên ngoại mới có thể làm được như vậy. Giá như ai cũng bao dung và độ lượng như ngoại thì chắc thế gian này sẽ chẳng còn những cuộc chia ly.
ĐOÀN LƯƠNG