.

Trẩy hội đầu xuân

.

Nắng mới đầu xuân vừa rực lên trên cỏ nội hoa ngàn cũng là lúc tiếng trống tuồng rộn rã trong sân đình Túy Loan và tiếng trống cổ vũ đua thuyền vang vọng trên khắp mặt sông Cu Đê.

Giải đua thuyền vào mồng 9 tháng Giêng đã trở thành ngày hội sông nước hằng năm trên sông Cu Đê. Trong ảnh: Xuất phát chung kết nữ tại Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng năm 2014.
Giải đua thuyền vào mồng 9 tháng Giêng đã trở thành ngày hội sông nước hằng năm trên sông Cu Đê. Trong ảnh: Xuất phát chung kết nữ tại Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng năm 2014.

7 chữ chúc tụng tân niên

Tiếng loa phóng thanh thông báo đêm hát tuồng “Lão tướng ra quân” vừa dứt, đã thấy một ông lão ngồi xe lăn được mấy đứa cháu đẩy vào sân đình. Trông rất quen, tôi hỏi có phải chú từng thủ chiếc trống chiến trong ban nhạc lễ ở Hội làng Túy Loan không? Thì tui đây chứ ai - ông cười. Ông tên là Đặng Công Dậu, Sáu Dậu. Ông từng đi vào trong ống kính máy ảnh của tôi, áo dài khăn đóng bên hiên đình, đôi roi trống nhòe hẳn đi trong một “vũ điệu” của đôi tay nhặt khoan với vai trò chủ đạo cho ban nhạc. Ông bị tai biến, hèn gì 2 năm rồi không thấy ông với chiếc trống quen thuộc bên hiên đình.

Năm nay, người dân Túy Loan kỷ niệm 15 năm ngày cụm di tích đình làng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Thế nhưng, ông Đặng Công Nhơn, Hội chủ làng kiêm Trưởng ban Di tích lịch sử đình Túy Loan cho biết, vì lý do kinh phí, hội làng chính thức vào mồng 9 tháng Giêng (nhằm ngày 8-2) năm nay chỉ chủ yếu giữ phần lễ truyền thống, phần hội không tổ chức các trò chơi dân gian, ẩm thực... Điều này cũng được bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong xác nhận: “Ra Tết, phần chúng tôi tập trung xây dựng nông thôn mới, phần khó kêu gọi tài trợ, nên chương trình hội làng Túy Loan năm nay thu gọn hơn so mọi năm”.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ các hoạt động thể thao “Mừng Đảng - đón Xuân”, UBND xã năm nay vẫn tổ chức Giải đua thuyền Hội làng Túy Loan truyền thống vào sáng 9-2, ngoài các giải cờ tướng, cờ vua và bóng chuyền. Theo bà Hồng, ngoài đội Túy Loan, để giải hấp dẫn hơn, năm nay mời thêm 3 thôn trong xã có di tích lịch sử văn hóa quốc gia gồm Bồ Bản, Dương Lâm và Cẩm Toại.

Thêm vào đó, đêm 7-2, người dân Túy Loan và các làng lân cận được nghe lại tiếng trống tuồng và câu hát xưa, thay vì chơi bài chòi. Khán giả kéo nhau về sân đình. Ông Sáu Dậu bảo cháu đẩy xe tới sát chỗ đặt trống chầu. Thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng, người dân địa phương quen gọi là hát bộ, ông từng là một trong những người cầm chầu có tiếng trong vùng.

Trước giờ lên sân khấu, Tam đa Phước Lộc Thọ đại diện đoàn tuồng lên trước hiên đình hát chúc tụng tân niên. Ngày Tết, trong 3 vị có lẽ người ta chuộng Lộc hơn: hái lộc, xin lộc, chúc lộc… Ở đình Túy Loan tối đó cũng vậy, sau khi từng người chúc tụng, ông Lộc đại diện cả nhóm chúc năm mới bà con gần xa 7 chữ: Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.

Ngày hội trên sông nước Cu Đê

Nếu 4 đội tham gia đua thuyền trên sông Túy Loan chỉ cấp... thôn thì trong 9 đội tham gia Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng trên sông Cu Đê diễn ra sáng 8-2 có nhiều đội cấp quận. 6 đội nam, 3 đội nữ đến từ các đơn vị thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), quận Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Liên Chiểu, đơn vị tổ chức giải, đánh giá cuộc đua năm nay quy tụ những đội thuyền cự phách từng “rinh” giải ở các cuộc thi do thành phố Đà Nẵng tổ chức. Khán giả cũng nhận ra một số con bơi (từ dân gian gọi các vận động viên) quen thuộc khi họ lên thuyền và vẫy tay chào.

Điều lệ giải gần như không thay đổi, vòng loại nam 3km, chung kết nam và nữ đều 2km. Khi đội nữ Ngũ Hành Sơn vừa xuất phát cùng với 2 đội nữ Hòa Hiệp Bắc và Lăng Cô, một khán giả đến từ bên kia đèo Ải bình luận: “Đội này đúng là mạnh, con bơi trẻ, eo thon; cái nước bơi, cách ưỡn ngực, cách đưa dầm như thế mà không vô địch mới lạ”. Và đúng thế thật, đội nữ đến từ năm ngọn Ngũ Hành đã nhàn hạ về đích đầu tiên, đội “người nhà” của anh này xếp cuối bảng đành hẹn năm sau “phục hận”.

6 đội nam chia làm hai bảng đấu vòng loại, chọn 4 đội vào chung kết. Đó là một cuộc đua gay cấn, anh nào lơ mơ là “xách va-li về” ngay. Thôi thì đủ các loại trống, cờ, cổ vũ inh ỏi, phấp phới trên bến, dưới sông. Thỉnh thoảng cả khúc sông trở nên im ắng hẳn, đó là lúc các đội đang tranh nhau từng cm ở đoạn giữa 2 tiêu. Thế rồi, khi các đội tranh nhau ôm (vặn) tiêu thì “bản giao hưởng” trên sông nước lại được đẩy đến cao trào với những trận reo hò như sấm dậy.

Các giải đua thuyền gần đây, mỗi ghe vặn riêng một tiêu, tuy tránh tình trạng các ghe tranh nhau vặn chung một tiêu dẫn đến ẩu đả nhưng lại làm cho cuộc đua kém hấp dẫn đi. Điều này có thể thấy rõ qua trận chung kết năm nay: 2 ghe Hòa Hiệp Bắc 1 và Hòa Hiệp Bắc 2 vặn chung tiêu màu đỏ, hai ghe Hòa Hiệp Nam 2 và Hòa Liên vặn chung tiêu màu vàng. Trong khi “hai anh em” của Hòa Hiệp Bắc kẻ trước người sau thong thả ôm tiêu thì Hòa Hiệp Nam 2 và người láng giềng Hòa Liên kẹp nhau sát rạt qua tiêu trong tiếng reo hò dậy sông. Ai cũng nghĩ là thế nào cũng xảy ra “thủy chiến”; nhưng không, cả hai ghe đều fair-play; ghe Hòa Hiệp Nam 2 ôm sát tiêu nên được lợi thế và vươn lên vị trí thứ ba. Giải vô địch và giải nhì rơi vào tay “hai anh em” nhà Hòa Hiệp Bắc.

Tết đến xuân về, những dầm chèo nhịp nhàng khua sóng trong tiếng reo hò dậy men hội hè đã làm cho các cuộc đua thuyền không bao giờ cũ dưới mắt người xem. Trời vừa đủ oi bức thì ngày hội trên sông nước Cu Đê cũng vừa tan. Những người bạn bên kia Hải Vân hứa hẹn năm sau sẽ tiếp tục vượt đèo để góp phần cống hiến cho khách trẩy hội đầu xuân những pha lướt sóng đầy kịch tính…

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.