.
Thế giới sách

Tuyết hoang và những trải nghiệm chân thực

.

Tuyết hoang là tiểu thuyết đầu tay khổ lớn (15,5 x 23cm) với 730 trang, 320.000 chữ, của một doanh nhân Việt Nam đã có 26 năm sinh sống và làm ăn tại Ba Lan. Chừng ấy thông tin có thể khiến một độc giả mê sách thời nay vừa tò mò, vừa… ngần ngại.

Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng sách cho độc giả.
Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng sách cho độc giả.

Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, Trần Quốc Quân cũng như nhiều người cùng thế hệ trước hết mong tìm con đường “cứu nhà”, tức làm giàu, kiếm tiền nuôi vợ con. Vì lẽ ấy, áp lực mưu sinh đè lên hết thảy giấc mơ học thuật thuở ban đầu.

Hiện thực sống động

Ba Lan thời ấy cũng như nhiều nước Đông Âu đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về thể chế chính trị. Quân là một trong những nhân chứng sống về giai đoạn lịch sử không thể quên của đất nước Ba Lan. Và anh cũng trải nghiệm gần như tất cả những chiêu chước, mánh lới làm ăn của cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng như Liên Xô (cũ) thuở ấy. Bối cảnh tác phẩm chỉ gói gọn trong khoảng 10 năm (1988-1999) ở Ba Lan nhưng Tuyết hoang ngồn ngộn vốn sống.

Có thể nói, cuộc sống của người Việt tại hải ngoại là đề tài đã được đề cập không ít trong văn chương, nhất là văn chương của chính những người trong cuộc. Đó là Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phương, Ngửa mặt kêu trời của Tô Hoàng…, nhưng viết kỹ lưỡng và dày dặn như Trần Quốc Quân thì có lẽ đây là lần đầu.

Trần Quốc Quân cho biết, anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn học và các nhà văn Việt Nam hơn là các nhà văn nước ngoài. Mặc dù Ba Lan - nơi anh sống - có thể được xem là “cường quốc văn chương” với 4 nhà văn từng đoạt giải Nobel văn học, nhưng khi viết Tuyết hoang, anh đã tự tìm tòi cho mình cách thể hiện sao cho đúng với ý mình nhất.

Lần đầu cầm bút

Năm 1999, cùng một số người bạn, Trần Quốc Quân lập ra báo “Quê Việt” dành cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Hiện tờ báo vẫn hoạt động. Những trải nghiệm báo chí và hồi ký Em ơi Ba Lan trải suốt 14 phần đăng trước tiên trên facebook là bước đệm để Trần Quốc Quân tiếp tục với Tuyết hoang.

Quân thừa nhận từng trải qua không ít bối rối trong thời gian đầu khi nhận thấy chất báo chí còn khá đậm đà trong tác phẩm. Suốt 26 tháng ròng rã, mỗi ngày dành ra 5 tiếng bên bàn viết, anh đã nỗ lực biến những quặng khoáng sản trong hồi ký, trong các bài báo thành một sản phẩm văn chương tinh chất hơn.

Nhờ một người bạn giúp đỡ, Trần Quốc Quân có thêm kiến thức văn chương để hoàn thành cuốn tiểu thuyết một cách ưng ý nhất. Điều chia sẻ này của anh phần nào khiêm nhường, bởi theo nhà báo Vũ Trọng Thanh, sự xen kẽ giọng kể chuyện với những dòng ký ức trong chương 5 và liên tục những cuộc đối thoại trong chương 7 cho thấy sự dụng công của người viết và rõ ràng không hề amateur như tác giả nói.

Còn theo chị Lê Hoàng Anh (biên tập viên NXB Trẻ), người trực tiếp biên tập cuốn sách, Tuyết hoang được viết với kết cấu chặt chẽ, người viết không phải cố kể hết một câu chuyện mà kể một cách hấp dẫn. Vượt lên mọi khắc nghiệt của cuộc mưu sinh, Tuyết hoang cho độc giả thấy tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ của con người. Nếu có nỗ lực, con người sẽ làm được những gì họ muốn.

Là bạn đọc, ông Đỗ Tấn Việt, nguyên giáo viên môn nghệ thuật học ở thành phố Hồ Chí Minh, tâm đắc với góc nhìn của một người có tấm lòng, có khẩu khí văn chương của tác giả trong Tuyết hoang. Ông Việt còn đặc biệt lưu ý tới những nhân vật nữ trong tiểu thuyết. Theo ông, Trần Quốc Quân đã tỏ thái độ trọng thị, đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Và vì thế, khi đọc hết chương 1, ông lại muốn đọc tiếp chương 2.

Ngay trong buổi ra mắt hồi tháng 5 vừa qua, toàn bộ số sách được NXB Trẻ chuẩn bị đã bán hết. Tiểu thuyết của Trần Quốc Quân rõ ràng đã chạm tới một mảng ký ức không dễ quên với một lớp người Việt trong quá khứ, dù ký ức ấy không hề ngọt ngào.

TRẦN ĐẮC LUÂN
 

;
.
.
.
.
.