.

Văn nghệ sĩ hướng về biển đảo

.

Theo nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên BCH Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh), viết về biển đảo, các văn nghệ sĩ hôm nay dường như đã thoát khỏi những câu nệ của tuyên truyền, cổ động, để thực sự đắm mình vào cảm xúc công dân, cảm xúc nghệ sĩ trước vấn đề chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.  

Nhà thơ Lê Tú Lệ, nhạc sĩ Đặng Quang Vinh và nhà thơ Phan Hoàng đã chia sẻ những cảm xúc về biển đảo, về chủ quyền lãnh hải qua sáng tác của họ.

Nhà thơ Lê Tú Lệ với “Hòn đảo hình mũi giáo”

Nhà thơ Lê Tú Lệ chia sẻ: “Đối với tôi, đến với Trường Sa không chỉ là cơ hội, mà còn là diễm phúc. Đúng là khi đã đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, không thể hình dung được hình thù của nó như thế nào. Nhưng trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thông tin trên báo, đài, đặc biệt là mạng Internet về Trường Sa.

Bất chợt, khi nhìn vào một tấm không ảnh, tôi thấy đảo Trường Sa lớn có hình mũi giáo với đường băng chạy ở giữa và hình tam giác thuôn dài. Tôi nghĩ, ông cha ta từ xưa dùng mũi giáo vừa để chống thú dữ, vừa để bảo vệ biên cương. Mũi giáo đó khi ra biển cũng để chống lại thuồng luồng cá dữ, cá mập, cá kình. Mũi giáo biểu trưng cho sức mạnh, ý chí quật cường của ông cha. Do đó, ý tưởng “hòn đảo hình mũi giáo” nảy ra từ lúc còn ở nhà. Khi họp mặt đoàn trước chuyến đi, tôi “khoe” với mọi người về ý tưởng này và nói vui: “Lê Tú Lệ giữ bản quyền cụm từ ‘hòn đảo hình mũi giáo’ đó nhé!”. Bài thơ cũng ra đời từ ý tưởng đó:

“Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo
Mũi giáo Cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng luồng, cá kình, cá mập
Mũi giáo năm mươi người con trai Việt theo Cha đã hóa thủy thần
Thềm lục địa rùng rùng cơn cuộn mình cương thổ
Rưng rưng mắt lưới
Rưng rưng mắt trời
Hò dô nào khúc xa khơi
Có phải lòng Người mà dải đất Việt mang hình
                                                                                 lưỡi sóng
Khát khao nhoài phía Biển Đông
Mẹ Âu Cơ nén nỗi nhớ thương chồng
Cũng vì đời đời cương thổ
Dải đất hình lưỡi sóng
Hóa biển thành bờ
Bờ hòa trong biển
Bốn ngàn năm da diết vọng Trường Sa…”.

Nhạc sĩ Đặng Quang Vinh với “Gửi sóng” và “Cánh cung mặt trời”

Nhạc sĩ Đặng Quang Vinh đã có dịp ra Trường Sa. 9 ngày đêm hành trình trên khắp các đảo và nhà giàn là những cảm xúc không giống nhau và đầy thấm thía ở mỗi điểm đến.

Nhạc sĩ Đặng Quang Vinh kể: “Tôi nhớ trong hành trình ấy, tới một khu vực gần nhà giàn, đoàn tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh. Nghi lễ rất xúc động, nhiều người trong chúng tôi rưng rưng khi nghe đồng chí phó đô đốc đọc điếu văn tưởng niệm.

Tôi mong muốn có một cái gì đó cho không gian thiêng liêng ấy. Sau nghi thức trang trọng nên có một giai điệu nào đó vang lên. Ý nghĩ ấy ấp ủ trong tôi. Gần một tháng sau ngày trở về, tôi bắt gặp bài thơ của chị Lê Tú Lệ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Bài thơ đã nói đúng ý tưởng của tôi nên tôi quyết định phổ nhạc thành bài hát Gửi sóng”.

Cùng với bài hát Gửi sóng, nhạc sĩ Đặng Quang Vinh còn tâm đắc với bài thơ Cánh cung mặt trời của tác giả Lan Phương đăng trên tạp chí Người làm báo. Ông cho rằng, có những câu phải được hát lên mới bày tỏ hết xúc cảm: “…Ôi biển quê hương/ Mỗi hải lý đẫm mồ hôi nước mắt/ Những giọt máu cũng chan đầy vị mặn/ Hòa tan trong biển đã bao đời/ Không thể nào để mất biển ơi/ Biển gồng lên cánh cung mặt trời/ Đất liền là đôi tay thép/ Sức mạnh nằm trong trái tim…/Không thể nào để mất biển ơi/ Biển quê hương, biển yêu thương”.

Nhà thơ Phan Hoàng tìm vẻ đẹp của Trường Sa

Rất nhiều bài thơ viết về biển đảo của nhà thơ Phan Hoàng nhấn mạnh sự đối lập giữa cảm giác bình yên đời thường với sự hiểm nguy trên các đảo và nhà giàn.

Phan Hoàng kể: “Tôi là người yêu sử. Trước khi đến Trường Sa, tôi đã đọc, nghe rất nhiều, không chỉ sách sử mà còn có văn thơ, âm nhạc. Tôi muốn tìm ra vẻ đẹp riêng của Trường Sa. Và tôi nghĩ bước đầu mình đã thấy. Ở đó, ngay cả vầng trăng hình như cũng rất khác biệt.

Đêm ấy, khi tôi cùng anh Tạ Minh Tâm, anh Thế Hiển ngồi ở đảo Sơn Ca nhìn về đất liền, tôi có cảm giác ánh trăng trên đảo cũng không giống với ánh trăng khi ta nhìn ở thành phố Hồ Chí Minh hay bất cứ vùng đất nào. Rồi tiếng hát của cô ca sĩ, nụ cười của các em thơ, nụ cười của người gác hải đăng cũng rất khác. Ở đây, không chỉ có các chiến sĩ mà còn có những ngư dân bám đất, bám đảo để giữ yên lãnh hải Tổ quốc.

Có một điều đặc biệt ám ảnh tôi, đó là tiếng chuông chùa. Tôi nhận ra ở đó vẻ đẹp của sự bình yên. Vẻ đẹp chỉ có trong tiếng chuông chùa Trường Sa.

Sau chuyến đi, tôi có dịp đọc nhiều hơn các tác phẩm văn chương viết về Trường Sa, biển đảo. Tôi nhận thấy, chúng ta đang dần thoát khỏi những gì đơn thuần là tuyên truyền, cổ động, để sống với những cảm xúc thực của lòng mình. Các văn nghệ sĩ đã tìm, phát hiện và ghi lại, sáng tạo lại những vẻ đẹp hết sức thầm lặng, vẻ đẹp của sự bình yên ở Trường Sa.

Sau khi từ Trường Sa trở về, tôi viết một loại bài, gần như thành một trường ca, mỗi phần là một bài thơ độc lập, dự kiến sắp tới tôi sẽ xuất bản tập thơ này. Bài thơ Tiếng chuông chùa giữa đại dương là một trong những bài ấy”. Bài thơ có đoạn: “Bay từ chơi vơi đảo xanh/ bay qua những rặng san hô/ bay qua những ngọn triều dâng/ tiếng chuông chùa quyện gió truyền hơi ấm biển khơi/ vỗ về mộ sóng/ như hơi thở ánh mắt mẹ quấn lấy con thơ mùa giông bão…/ Quầng sáng chân mây bừng lên/ những tia nắng cuối ngày chào đảo chìm đảo nổi/ tiếng chuông chùa bồng bềnh trên sóng vọng mãi/ vọng mãi/ về phía mặt trời treo giấc mơ đỉnh núi/ về phía những người đàn bà giấu nước mắt thâu đêm chờ đợi/ âm âm tiếng nhớ tiếng thương…”

Nhà thơ Phan Hoàng cũng kể bối cảnh ra đời bài Tiếng hát trên đảo Sơn Ca: “Đúng ngày 30-4, chúng tôi đến đảo Sơn Ca. Khi các ca sĩ đang biểu diễn, tôi cùng một số anh chị đứng xem các họa sĩ vẽ ký họa, chợt lúc đó trên trời xuất hiện một chiếc máy bay. Cả đảo vang lên tiếng còi báo động. Tất cả các chiến sĩ ôm súng ra công sự. Chúng tôi chưa ai hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra, phần lớn còn đang ngơ ngác.

Trước khi còi báo động vang lên, cô ca sĩ trẻ Quỳnh Nhi đang hát bài Vùng trời bình yên. Khoảng 15 phút sau, khi chiếc máy bay đó đã hạ cánh xuống đảo Ba Bình, mọi thứ trở lại bình thường. Đó cũng là một thực tế đặc trưng ở quần đảo Trường Sa hiện nay, tôi cho là vậy. Bởi trong bình yên có sự báo động, và sau báo động lại là cuộc sống bình yên. Đây cũng là đặc điểm Trường Sa khác với đất liền. Nếu chưa đặt chân lên Trường Sa, ta khó nhận ra điều ấy.

Cũng từ bối cảnh đó, ngay trong cuộc hành trình, tôi đã viết bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca và được nhạc sĩ Thế Hiển phổ nhạc: “Em hát về vùng trời bình yên/ đảo bỗng nhiên báo động/tiếng sơn ca ngơ ngác giữa trùng khơi/ sau lớp sóng dịu êm âm ỉ bao trận bão/ dưới tán lá bàng vuông rễ bám san hô máu thanh xuân/ Những mái chèo hùng binh cha ông ra giữ đảo/ hoang vu bình minh lảnh lót tiếng sơn ca/ đàn đàn cá thiêng tung mình nhảy múa/ chống gươm gõ bát hát sao khuya/ Người lính trẻ ngày nay lặng nghe em hát/ từng ánh mắt lượn vòng/ từng ngân rung ngực sóng/ từng âm giọng vút cao, bùng cháy khát khao ngọn khói bếp quê nhà...”

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.