Thư viện KHTH Đà Nẵng ở số 46 Bạch Đằng hiện nay... |
Ngày 9-9, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, theo đề xuất của Sở KH-ĐT, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa thống nhất giãn thời gian triển khai đầu tư dự án Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng (cơ sở mới) và ưu tiên đầu tư công trình Thư viện KHTH Đà Nẵng (cơ sở trên đường Bạch Đằng).
Theo đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc cải tạo, nâng cấp mở rộng Thư viện KHTH Đà Nẵng trên đường Bạch Đằng theo hướng sử dụng trụ sở HĐND TP Đà Nẵng hiện nay, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét quyết định.
Tiền thân của Thư viện KHTH Đà Nẵng là Thư viện tỉnh QN-ĐN được thành lập ngày 2-9-1975. Thư viện hiện nằm trên khu đất 46 Bạch Đằng, là “hàng xóm chung vách” với trụ sở HĐND TP Đà Nẵng (số 44 Bạch Đằng), và từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa đọc của người dân thành phố.
... vốn là biểu tượng về văn hóa đọc của Đà Nẵng. |
Nơi đây được xem là địa điểm lý tưởng cho việc đọc sách, học tập, nghiên cứu của HS-SV, cán bộ và nhân dân Đà Nẵng. Đồng thời, đây là khu vực cao ráo với rất nhiều cây xanh cổ thụ ở mặt tiền sông Hàn, được xem là một trong những vị trí đắc địa bậc nhất TP. Tuy nhiên, “số phận” của thư viện này gặp cũng khá nhiều trắc trở.
Từ nhiều năm trước, người ta từng có ý định đưa vào đây một... nhà vệ sinh công cộng. Sau khi ý định này nhanh chóng bị dập tắt bởi sự phản ứng của dư luận thì lại nảy sinh ý định dời Thư viện KHTH Đà Nẵng về khu vực Đông Nam Đài Tưởng niệm trên đường 2/9 (giờ đã đổi sang khu vực gần Siêu thị Lotte ở chân cầu Tuyên Sơn) để “khai thác quỹ đất” đối với khu đất 46 Bạch Đằng.
Ngày 5-5-2005, UBND TP Đà Nẵng từng có Thông báo 120/TB-VP về chủ trương di dời Thư viện KHTH Đà Nẵng đi nơi khác, khiến từ đó đến nay địa chỉ văn hóa này hầu như không được đầu tư nâng cấp nên ngày càng xuống cấp nặng nề. Song ý định này cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng với một vị trí đẹp như vậy thì không nên đem ra kinh doanh mà phải là nơi đặt một công trình quan trọng về văn hóa, nhằm thể hiện sự đề cao tri thức của TP Đà Nẵng.
sẽ được mở rộng về phía trụ sở HĐND TP Đà Nẵng ở bên cạnh |
Ông Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho biết, với tư cách là đại biểu HĐND TP, tại kỳ họp cuối năm 2013 ông đã đặt câu hỏi khu đất đắc địa nói trên được giao cho ai, sử dụng vào mục đích gì? Câu trả lời của UBND TP Đà Nẵng lúc đó là “đang xem xét”.
Đáng mừng là tại buổi làm việc với Sở VH-TT-DL Đà Nẵng ngày 11-2-2014, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã chính thức quyết định không di dời Thư viện KHTH như quy hoạch trước đó mà giữ nguyên ở vị trí cũ, cải tạo nâng cấp, mở rộng, đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở mới với quy mô lớn, hiện đại hơn tại khu Tiên Sơn (như đã nêu trên) vào năm 2015.
Còn trụ sở HĐND TP Đà Nẵng... |
Nay UBND TP Đà Nẵng tiếp tục giao các sở, ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất cải tạo, nâng cấp mở rộng Thư viện KHTH Đà Nẵng theo hướng sử dụng trụ sở HĐND TP Đà Nẵng hiện nay (còn trụ sở HĐND TP Đà Nẵng sẽ chuyển qua khu đất 42 Bạch Đằng nằm ngay bên cạnh, thay thế trụ sở UBND TP Đà Nẵng đã chuyển vào Trung tâm Hành chính Đà Nẵng vừa khánh thành)
Nhìn lại lịch sử, Thư viện KHTH Đà Nẵng trước đây là Trung tâm Văn hóa Pháp, được xây dựng trên mô đất cao rộng lớn, với không gian đầy cây xanh. Phía trước cổng còn giữ lại 2 khẩu súng thần công, biểu tượng suốt cả chặng đường lịch sử của TP bên sông Hàn. Trong khi đó, trụ sở HĐND TP Đà Nẵng vốn là trụ sở Công ty Shell và trụ sở UBND TP Đà Nẵng vốn là Tòa Thị chính từ thời Pháp thuộc, nằm trong quần thể kiến trúc Pháp cổ hiếm hoi còn hoàn chỉnh và đẹp nhất Đà Nẵng hiện nay.
... sẽ được chuyển qua trụ sở UBND TP Đà Nẵng nằm cạnh đó, do UBND TP Đà Nẵng đã chuyển trụ sở vào Trung tâm Hành chính "Ngọn hải đăng". |
Việc lãnh đạo Đà Nẵng không chỉ giữ lại Thư viện KHTH ở vị trí cũ mà còn có hướng sử dụng trụ sở HĐND TP để mở rộng thư viên này thực sự là một tin vui đối với văn hóa đọc của Đà Nẵng. Điều đó cho thấy Đà Nẵng đang quyết liệt đầu tư cho văn hóa sau một thời gian dài thiếu sự quan tâm đúng mức đối với lĩnh vực này.
Infonet