.

Thay đổi chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ: Cần cái nhìn toàn diện

.

Xét chế độ đối với văn nghệ sĩ cần có cái nhìn toàn diện quá trình cống hiến cho nghệ thuật và địa phương chứ không nên chỉ căn cứ giải thưởng, huy chương…

Một cảnh trong vở Mỵ Châu - Trọng Thủy do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Một cảnh trong vở Mỵ Châu - Trọng Thủy do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trước đề nghị của Sở VH-TT&DL về chế độ khen thưởng các nghệ sĩ, diễn viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc, khu vực, tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 vừa qua.

Vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm…”

Nghệ sĩ Phan Văn Quang, diễn viên chính Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, anh vào nghề đến nay đã 15 năm nhưng mọi chính sách đối với nghệ sĩ không có gì thay đổi: vai chính mỗi buổi tập được bồi dưỡng 20.000 đồng, vai phụ 15.000 đồng; tiền bồi dưỡng một suất biểu diễn với vai chính là 50.000 đồng, vai phụ 40.000 đồng. Vợ anh Quang cũng là diễn viên tuồng, còn anh đang học đạo diễn nên đời sống rất khó khăn.

Trong khi đó, NSƯT Phạm Thanh Tỵ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, ông vào nghề đến nay đã 45 năm. Cũng như anh Quang, 45 năm qua, ông Tỵ chưa chứng kiến lần thay đổi đáng kể nào về chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ.

Ngoài lương, theo quy định của Nhà nước, từ năm 2005-2006, các nghệ sĩ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 20% theo hệ số lương (với diễn viên) và 15% (với nhạc công); phụ cấp độc hại 0,3% (với diễn viên) và 0,2% (với nhạc công). Diễn viên trẻ mới vào nghề rất khó sống được bằng lao động nghệ thuật với tổng thu nhập chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Ngay cả NSND, NSƯT, những người đã phải trải qua quá trình phấn đấu nhọc nhằn nhưng hầu hết chỉ hưởng lương ở ngạch trung cấp, bậc cao nhất là 4,06 (hạng 3), vì ngành sân khấu tuồng chưa có trường đào tạo bậc đại học, còn hệ cao đẳng thì cách đây mấy năm mới có một khóa. Đó là chưa kể không ít nghệ sĩ trưởng thành qua hình thức truyền nghề, không qua trường lớp đào tạo nên rất khó để tăng, chuyển ngạch lương.

Không riêng tuồng, ở Đà Nẵng, các ca sĩ, diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ múa... rất khó sống được bằng nghề, đòi hỏi họ phải “chân trong, chân ngoài” để mưu sinh. Có người phải đi hát tổng, hát nhạc đám ma...; các nghệ sĩ trẻ vì tất bật với các sô diễn ngoài giờ nên khó có điều kiện trau dồi nghề. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói vui: “Mấy anh diễn viên trẻ của nhà hát này bắc điện, sửa ống nước… giỏi lắm!” Ông Tuấn không muốn bàn nhiều về sự bất cập trong chế độ đãi ngộ hiện tại đối với văn nghệ sĩ, bởi tất cả đều là chuyện cũ; những nghệ sĩ như ông đã lên tiếng quá nhiều lần…

Hiện Đà Nẵng thiếu trầm trọng đội ngũ biên kịch, đạo diễn nhưng cho đi học thì không phải ai cũng đi vì Nhà nước chỉ chu cấp tiền học phí, còn lại người học phải tự lo ăn ở. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ sau khi họ thành nghề chưa thực sự hấp dẫn, chưa đủ kích cầu nên không nhiều người mặn mà với việc đi học.

Không chỉ căn cứ vào huy chương

Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, Sở đã nhiều lần đề nghị thành phố thay đổi chế độ đối với nghệ sĩ, diễn viên đạt thành tích cao. Gần đây nhất, Sở cũng có văn bản đề xuất cụ thể mức phụ cấp 3 triệu đồng/tháng đối với người đoạt Huy chương vàng trong các cuộc thi, hội diễn toàn quốc, khu vực và 1,5 triệu/tháng với người đoạt Huy chương bạc, nhưng đề nghị này vẫn đang được xem xét.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xét phụ cấp hằng tháng của nghệ sĩ nếu chỉ căn cứ vào huy chương là chưa thỏa đáng, bởi những người đi thi và tùy tính chất các cuộc thi chưa chắc đã có cống hiến nhiều cho đơn vị và địa phương. Cần xét cả quá trình công tác, thái độ làm việc, tuổi nghề…

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nói rằng, Sở VH-TT&DL và các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề phụ cấp đối với văn nghệ sĩ để có đề xuất thỏa đáng hơn; thành phố sẽ lưu ý vấn đề này, bảo đảm ghi nhận công lao của văn nghệ sĩ một cách công bằng.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.