.
Thế giới sách

Góp thêm một tư liệu quý về Hội An

.

Bàn về danh xưng Hội An, lâu nay nhiều người vẫn cho rằng Hội An nghĩa là nơi hội tụ sự an lành - hội cái an. Liệu có thể nghĩ đến một cách hiểu khác: Hội An là nơi tụ hội những cái khác nhau, những văn hóa khác nhau mà vẫn an bình/yên ổn, vẫn không bị xáo trộn, thậm chí xung đột - hội mà vẫn an. Hiểu như thế sẽ thấy rõ hơn khả năng dung dị văn hóa của Hội An - sự kết hợp văn hóa bản địa và văn hóa ngoại nhập gần như thành công một cách hiếm hoi ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa đương thời.

Khả năng dung dị văn hóa của Hội An xuất phát từ đặc thù của cư dân đô thị. Người Quảng thời nào cũng mê tuồng nhưng thời Nguyễn Hiển Dĩnh, tuồng chỉ diễn ở sân đình hoặc sân các phú gia, người xem được miễn phí vì làng hay các phú gia đã bao cả gánh, đào kép hát hay được thưởng bằng thẻ. Chỉ đến khi hình thành tầng lớp cư dân đô thị (thương nhân, binh lính, công chức, viên chức…) như ở Hội An thì sân khấu tuồng mới được chuyên nghiệp hóa, có rạp hát hẳn hoi, có bán vé, đào kép hát hay được trả lương cao hơn…

Chuyên nghiệp hóa đến mức khi vua Minh Mạng ngự giá Hội An vào thập niên 20 thế kỷ XIX, “các thương gia Trung Hoa, Minh Hương có tổ chức hát bội để vua ngự lãm. Không rõ hát bội Ta hay Tàu (tuồng Tiều). Có lẽ của ta vì vào thời ấy, hát tuồng ta đã khá thịnh và có nhiều đào kép nổi tiếng” (Nguyễn Văn Xuân: Người ngoại quốc tới Hội An từ thế kỷ XVII đến XIX). Theo nhà nghiên cứu Trương Đình Quang, Hội An có ý thức làm sân khấu chuyên nghiệp từ rất sớm, chẳng hạn nhà hát yêu cầu diễn viên phải ca cải lương theo giọng Bắc…

Cũng do đặc thù của cư dân đô thị nên có thể nói văn hóa Hội An vừa là văn hóa của đông đảo người Hội An, vừa là văn hóa của tầng lớp tinh hoa trong đô thị cổ này. Nói văn hóa Hội An là văn hóa của đông đảo người Hội An tức là muốn nhấn mạnh độ lan tỏa và thấm sâu của đặc trưng văn hóa Hội An đối với cả cộng đồng thị dân đông đúc bao gồm những tầng lớp dân cư khác nhau.

Còn nói văn hóa Hội An là văn hóa của tầng lớp tinh hoa là muốn nói đến diện mạo tinh thần của một bộ phận người Hội An có tác động/ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống văn hóa của cả cộng đồng thị dân đông đúc và góp phần đáng kể vào việc hình thành đặc trưng văn hóa Hội An. Văn hóa của tầng lớp tinh hoa Hội An bộc lộ rõ nhất là vào những thập niên đầu của thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như tân nhạc, khiêu vũ, kịch nói... Bóng đá - bộ môn thể thao vua cùng những danh thủ bóng đá chuyên nghiệp cũng là một dấu ấn khác của văn hóa tinh hoa ở Hội An.

Cuốn sách Thành phố cổ Hội An - Đất và Người của hai nhà nghiên cứu cao niên Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy là công trình biên khảo chủ yếu về tầng lớp tinh hoa của Hội An, góp thêm một tư liệu quý về Hội An, tạo điều kiện để có thể có cái nhìn vừa sâu hơn, vừa bao quát hơn về văn hóa và đặc trưng văn hóa Hội An.

Với 800 trang sách, Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy đã dành hơn 700 trang để phác họa chân dung văn hóa của 63 người con ưu tú của Hội An - người cao tuổi nhất sinh trong thập niên 70 thế kỷ XVIII, còn những người trẻ nhất sinh trong thập niên 50 thế kỷ XX. Có lẽ công việc đầu tiên và khó nhất mà hai tác giả cuốn sách đã làm là xây dựng một danh sách người Hội An để đưa vào công trình khảo cứu này.

Có thể có các phương án chọn lựa khác, qua đó bổ sung thêm người này hoặc không chọn lựa người nọ, nhưng nhìn chung phương án lựa chọn của Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy có sức thuyết phục, bởi qua nhãn quan của hai tác giả, lần đầu tiên độc giả được tiếp cận với hàng chục nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa của Hội An hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ đã suốt đời đóng góp tài năng và tâm huyết cho đất nước và cho thanh danh của đô thị cổ bên sông Hoài.

Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy trước hết dựng lên một bản tiểu sử đủ để hình dung toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cũng như đủ để phác họa chân dung văn hóa của từng nhân vật. Nhằm tăng thêm tính khách quan của bản tiểu sử này, hai tác giả đã dụng công trích dẫn các nhận định đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau ghi nhận công trạng của nhân vật, chẳng hạn trích dẫn Đại Nam chính biên liệt truyện ghi nhận công trạng của danh thần Nguyễn Tường Vân, hoặc trích dẫn Phạm Đình Chương để khẳng định tài năng của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn…

Các nhận định đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau như vậy càng có tác dụng ghi nhận công trạng của nhân vật khi hai tác giả đưa toàn văn vào phần Phụ đính trong từng bản tiểu sử. Người đọc hết sức thú vị khi đọc bản tham luận Giáo sư Hoàng Châu Ký trong tôi của nhà thơ Bùi Công Minh, hay lời giới thiệu Hồi ký Bà Tùng Long của nhà văn Trần Bạch Đằng, hay bài phát biểu Chu Cẩm Phong chiến sĩ và nghệ sĩ của nhà văn Nguyên Ngọc, hoặc bài viết Về truyện ngắn Phạm Phát của nhà văn Trung Quốc Điền Tiểu Hoa…

Trong 63 nhân vật Hội An mà Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy chọn đưa vào Thành phố cổ Hội An - Đất và Người, phần lớn là những người sáng tạo văn học nghệ thuật như: La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh… trên lĩnh vực âm nhạc; ba anh em Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo và Nguyễn Thành Long, Chu Cẩm Phong, Ý Nhi… trên lĩnh vực văn chương; La Thoại Tân, Trà Giang… trên lĩnh vực điện ảnh… Đáng chú ý là một số nhân vật hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực chính trị như thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Trung tướng Công an Lê Ngọc Nam… nhưng vẫn xuất hiện trong cuốn sách này với tư cách là những nhà thơ. Bên cạnh đó còn có những nhà khoa học như TS Trương Đình Hiển, GS Bác sĩ Đinh Văn Tùng…

Đọc kỹ tiểu sử 63 người con ưu tú này của Hội An, dễ nhận thấy hầu hết đều thành danh ngoài quê hương Hội An, nhưng tất cả họ luôn hướng về đô thị cổ bên sông Hoài với lòng tự hào và tình cảm thương quý - có người thể hiện ngay trong bút danh của mình như nhà văn Minh Hương, có người cả đời xa Hội An nhưng khi qua đời được con cháu cải táng đưa về với đất mẹ Hội An như nhà văn Nhất Linh… Và cũng chính vì thế mà nói như hai tác giả trong Lời cuối sách, “khép lại trang sách cuối cùng cũng là mở ra sự gặp gỡ đón nhận giữa sách với người đọc, mà tác giả là người làm công việc cầu nối, với thiện ý là giới thiệu Hội An, qua nhát cắt hình ảnh nhân vật - những con người chúng ta hằng yêu mến và kính trọng”.

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Thành phố cổ Hội An - Đất và Người, Hoàng Hương Việt và Thy Hảo Trương Duy Hy, NXB Văn học, quý III năm 2014

;
.
.
.
.
.