Tìm nguyên nhân, giải pháp để sáng tác văn học - nghệ thuật ở Đà Nẵng có nhiều tác phẩm hay hơn, đột phá hơn là vấn đề luôn được những người trong cuộc bàn luận sôi nổi.
Nhiều tác phẩm được trưng bày tại triển lãm nhân Ngày Di sản Việt Nam 2013 ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. |
Tăng cường quảng bá tác phẩm
Trước hết, có thể nói rằng, vấn đề đi tìm lời giải cho ca khúc hay của Đà Nẵng được dư luận khá quan tâm trong thời gian qua. Theo ý kiến của các nhạc sĩ gạo cội cũng như những người yêu nhạc, yêu mến Đà Nẵng thì khâu quảng bá, đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng còn khá hạn chế. “Tác phẩm giấu mãi trong ngăn bàn thì không thể biết nó hay hay dở được”, một nhạc sĩ nói.
Nhạc sĩ này nói tiếp: “Cũng không thể đặt ngược vấn đề rằng, ngày xưa điều kiện để đưa tác phẩm đến với công chúng còn khó khăn hơn bây giờ nhưng sao vẫn có rất nhiều tác phẩm sống mãi. Cần xem xét mọi thứ trong những điều kiện khác nhau. Trong điều kiện bùng nổ thông tin và quá nhiều kênh giải trí như hiện nay, việc đưa tác phẩm đến với công chúng đòi hỏi rất nhiều yếu tố”.
Theo họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, Đà Nẵng vẫn là một trong 4 trung tâm có phong trào sáng tác mỹ thuật lớn mạnh nhất nước, sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế. “Còn nhớ, từ đầu năm 1976, Đà Nẵng đã có triển lãm mỹ thuật đầu tiên. Đó là triển lãm về ngành thủy sản, thu hút nhiều người xem. Vì vậy, Đà Nẵng có quyền tự hào là địa phương biết quan tâm đến sự phát triển của văn học - nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng từ rất sớm. Chúng ta cũng có những tên tuổi lớn trưởng thành từ những phong trào mỹ thuật trước, trong và sau thập niên 90 đến nay”, họa sĩ Tường Vinh nói.
Dư luận thường nói rằng, Đà Nẵng chưa có tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự phát triển kinh tế. Song, không ai đưa ra được cái “chuẩn”, thế nào mới là xứng tầm, mọi sự so sánh đều khập khiểng. “Không thể lấy những kiệt tác có khi chỉ có kích thước bằng cuốn sách để so sánh với các tòa nhà cao tầng, hay những cây cầu lớn”, họa sĩ Tường Vinh nói tiếp.
Họa sĩ Tường Vinh cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá tác phẩm, công chúng chính là người đánh giá công tâm nhất giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Kéo theo đó, cần tạo môi trường, thói quen thưởng thức nghệ thuật cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ.
Thực tế, vấn đề “cơm áo” ảnh hưởng không ít, nếu không nói là chi phối sáng tác của các văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Cách đây khoảng 10 năm, khi tranh và các tác phẩm mỹ thuật được công chúng ưa chuộng, không ít họa sĩ thành danh và trở nên giàu có nhờ bán tranh. Lúc đó, phong trào sáng tác rất sôi nổi, nhiều tác phẩm lớn ra đời, được sống đời sống thực sự trong công chúng. Nhưng nay, khi tranh vẽ ra chỉ để “ngắm”, người họa sĩ biết lấy gì để sống, chứ đừng nói là đầu tư cho việc tái lao động nghệ thuật. Vậy là văn nghệ sĩ phải đổ xô đi làm những nghề khác, để nuôi sống bản thân và gia đình trước khi sáng tác.
Khát vọng, hoài bão lớn về sự sáng tạo
Đối với lĩnh vực văn học, nhà văn Thái Bá Lợi cho rằng, cần khuyến khích những tác phẩm sáng tác theo các cách thức biểu đạt mới. “Có điều, dù tác phẩm viết theo lối mới hay cũ thì cũng cần “để lại”. Việc một dân tộc, chứ đừng nói một địa phương có tác giả, tác phẩm “để lại” là câu chuyện của hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Như Việt Nam ta, ngàn năm mới có một Nguyễn Du. Hay phải bao nhiêu năm nước Nga mới có một bộ sử thi vĩ đại Chiến tranh và hòa bình của Lev Nikolayevich Tolstoy. Nên với Việt Nam, có thể 30 năm sau mới có tác phẩm về chiến tranh đồ sộ, xứng tầm thời đại. Vì vậy, sự nôn nóng, vội vàng là điều không nên”, nhà văn Thái Bá Lợi nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung ít có tác phẩm văn học - nghệ thuật đột phá là do hạn chế của lực lượng phê bình. Phê bình ở nước ta thường theo lối chung chung, thiếu tính phản biện, thiếu lý luận sắc bén. Hơn nữa, cũng không ai trả lương riêng cho lực lượng phê bình. Vì vậy, phê bình kém phát triển, không định hướng, không cổ vũ được lực lượng sáng tác. Riêng ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa có hoạt động phê bình văn học - nghệ thuật đúng nghĩa mà chỉ có một số nhà nghiên cứu.
Tại Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 8, nhiệm kỳ 2014-2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định rằng, chỉ có khát vọng, hoài bão lớn về sự sáng tạo thì văn nghệ sĩ mới tiến xa, mới có những tác phẩm lớn với tầm nhìn sâu rộng, phản ánh sâu sắc tâm hồn dân tộc, nói được những điều lớn lao, mạnh mẽ mà con người luôn hướng tới.
Nhưng ai đã dấn thân vào con đường nghệ thuật một cách có ý thức đều ôm ấp những ước mơ, dự định, khát vọng lớn lao. Có điều, để tất cả ấp ủ ấy trở thành hiện thực trong tác phẩm thì không phải chuyện một sớm một chiều.
Bài và ảnh: THANH TÂN