Có thể ví 125 tiểu phẩm trong Tôi nói bằng mồm tôi (NXB Hội Nhà văn) của nhà báo Phạm Quốc Toàn là 125 bức tranh về cuộc sống, về những gì đã và đang diễn ra hằng ngày. Các tiểu phẩm là tiếng cười trào lộng về những điều chưa hay, chưa đẹp trong muôn vàn chuyện thường ngày, nhưng chất chứa nỗi đau về thế thái nhân tình.
Những câu chuyện được kể trong Tôi nói bằng mồm tôi rất ngắn gọn, bằng lối hành văn mộc mạc, giản dị, không chiếm quá nhiều thời gian của bạn đọc, bởi độc giả có thể chọn đọc bất kỳ chuyện nào trước, chuyện nào sau. Đó là chuyện Anh cứ xài, đã có em lo, kể về việc các nhà báo rủ nhau nhậu ngót nghét chục triệu đồng, nhưng bên chi là “thằng B thi công mang mấy bao tải tiền ra mà trả cái nợ… đời cho lẹ”. Đó là chuyện Bé cái nhầm: ngành giáo dục bóc nhầm đề thi; hội đồng thi vào nhầm bảng điểm; phi công nhầm đường, thay vì hạ cánh xuống sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) thì đã đáp xuống sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Giải pháp cho các “sự cố nhầm” đó chỉ đơn thuần là lời xin lỗi, chứ không hề có văn hóa từ chức.
Đó còn là vô vàn chuyện: làm hồ sơ giả thương binh, nạn nhân chất độc da cam; lái xe thành ký giả; festival lãng phí; chia quỹ cho cả những người không can dự; mua chức và từ chức; lễ phép trên điện thoại; hay việc tiếp khách “bất đắc dĩ” khi những đoàn khách cứ vô tư đến, vô tư đi, mà không cần biết những khó khăn của chủ nhà phải “gồng mình” với những khoản chi. Rồi cả những chuyện thật như đùa khi Đề án “Đổi mới sách giáo khoa” với chi phí hơn 34.000 tỷ đồng mà Bộ trưởng chưa xem xét, chưa biết; hay chuyện viết sách giáo khoa chỉ trong 12 tiếng đồng hồ để “chữa cháy” cho kịp kế hoạch nghiệm thu, thay vì viết trong 3 tháng, v.v…
Dưới ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, chuyện to, chuyện nhỏ, ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến đạo đức, lối sống… được bóc trần với sự hài hước, châm biếm. Song, người kể chuyện dường như nhẹ bâng, vì nói nôm na là “tôi nói bằng mồm tôi” thì “đụng chạm” đến ai chứ! Ngay tựa đề của cuốn sách đã gửi gắm thông điệp này: Tại Trung tâm Ứng dụng y học cổ truyền dân tộc, các bác sĩ, y tá, nhân viên kháo chuyện ồn ào với đủ thứ âm thanh của mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Khi bệnh nhân không chịu nổi, góp ý, bác sĩ nổi cáu: “Chúng tôi làm bằng tay, nói bằng mồm, mắc mớ gì đến ông?”. Tuy nhiên, đằng sau sự “nhẹ bâng” đó là nỗi buồn, buồn vì sự vô cảm giữa con người với con người, buồn vì những hành xử không đẹp và nỗi đau đáu hướng đến chân-thiện-mỹ. Như tác giả viết trong tiểu phẩm Cho và nhận: “Cho nghĩa là nhận. Cho không bao giờ nghĩ đến nhận. Làm ơn chẳng bao giờ mong người trả ơn, sống trong đời sống cần có một tấm lòng để… gió cuốn đi”.
Trong “Lời tác giả”, nhà báo Phạm Quốc Toàn chia sẻ rằng, Tôi nói bằng mồm tôi là chùm tiểu phẩm ông “chớp” được từ hiện thực đời sống thập niên 90 thế kỷ trước và những năm gần đây. Song, các tiểu phẩm hiện vẫn vẹn nguyên tính thời sự.
Đọc Tôi nói bằng mồm tôi để hiểu căn bệnh ung thư đang tràn lan trong xã hội, trong ngõ ngách của đời sống như thế nào. Chỉ có điều, những khối u ác tính mang lại cảm giác đau đớn cho cơ thể và chẳng biết đến khi nào mới loại bỏ hết các tế bào ác đó.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự rằng, cuốn sách “chỉ là tấm lòng, trách nhiệm xã hội của người cầm bút trước những thói hư tật xấu quanh quẩn quanh ta. Đó là sự đam mê nghiệp viết - không viết không chịu nổi của một người cầm bút yêu nghề”. Còn trong một bài viết giới thiệu Tôi nói bằng mồm tôi, nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng: nếu “viết về cây bút Phạm Quốc Toàn mà chỉ viết về một thể loại tiểu phẩm là không đủ. Nhưng ở “thể loại châm chọc” này lại thấy rõ tấm lòng của ngòi bút. Anh mô tả những chuyện tiêu cực đau lòng nhưng không cay cú, vùi dập, vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở để hướng tới những gì tốt đẹp, cho nên chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy lòng ấm áp, không làm mất niềm tin...”.
TÚ PHƯƠNG