Nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nghĩ ra các cách làm hay nhằm tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận văn hóa đọc, thông qua các tủ sách lưu động, góc đọc sách được bố trí ghế ngồi là những con thú...
Các thư viện lưu động trong sân Trường tiểu học Phù Đổng tạo cho học sinh sự ham mê đọc sách. |
Cách làm hay, sinh động
Từ năm 2012, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu) trích kinh phí đầu tư 8 tủ sách lưu động để ở sân trường phục vụ học sinh. Đầu giờ học hay giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy nô đùa, ăn quà vặt…, học sinh đến những tủ sách lưu động tìm sách đọc theo sở thích của mình. Từ ngày có những tủ sách lưu động này, giờ ra chơi, từng tốp học sinh 5-7 em ngồi trên ghế đá đọc say sưa từng trang sách nhỏ. Theo Ban giám hiệu nhà trường, mấy nghìn đầu sách trong thư viện được thay đổi liên tục trong tủ sách lưu động, đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh.
Trong khi đó, Ban giám hiệu Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận Liên Chiểu) cũng đầu tư hai tủ sách lưu động cùng với góc thư viện thân thiện. Độc đáo hơn, góc thư viện thân thiện này được trang bị ghế ngồi hình con thú, trải thảm… nên học sinh rất thích thú mỗi khi đọc sách.
Ở địa bàn quận Hải Châu, Trường tiểu học Phù Đổng cũng đi tiên phong trong việc đầu tư tủ sách lưu động. Đầu năm học 2011-2012, Ban giám hiệu nhà trường trang bị 8 “Thư viện lưu động”. Ngoài nguồn sách được Nhà nước cấp, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng phát động phong trào góp một cuốn sách nhỏ để đọc nhiều cuốn sách hay.
Ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho hay, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh đóng góp rất nhiệt tình. Đến nay, trường đã có hơn 14.000 bản sách tham khảo, giáo khoa, nghiệp vụ giảng dạy, sách lịch sử, truyện tranh. Trong đó, có 4.000 bản sách do học sinh và phụ huynh tặng thông qua cuộc vận động này.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân, cho hay theo quy định, thư viện trường tiểu học chỉ có 25 chỗ ngồi cho học sinh đọc sách. Thực tế, vì một số lý do, học sinh cũng ngại lui tới thư viện. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường nghĩ ra cách đầu tư tủ sách lưu động để tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận với sách, qua đó xây dựng phong trào đọc sách trong học sinh toàn trường. “Cách làm này cho thấy hiệu quả rõ rệt, bởi tâm lý học sinh ngại đến thư viện ngồi đọc hoặc mượn sách về nhà”, ông Tuấn nói.
Còn ở Trường tiểu học Phù Đổng, sau khi các tủ sách lưu động được đưa vào hoạt động, hằng tuần, vào tiết chào cờ sáng thứ 2, Ban giám hiệu nhà trường còn yêu cầu mỗi khối lớp cử học sinh lên giới thiệu về cuốn sách mà mình đã đọc, hoặc thi kể chuyện theo sách; hỏi, đáp về sách.
Ông Nguyễn Tăng Hoa nhìn nhận, từ ngày triển khai 8 “Thư viện lưu động” trong sân trường đã tạo thuận lợi cho việc đọc sách, tiếp cận tri thức của các em học sinh. Và đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng thực hiện đổi mới giáo dục tiểu học của nhà trường, nhằm hướng đến giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh trong giai đoạn tiểu học.
Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đánh giá, các trường tiểu học đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa văn hóa đọc đến gần với học sinh, qua đó khơi dậy niềm đam mê đọc sách ngay từ nhỏ trong các em. Cũng theo bà Bình, trong thời gian đến, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học đầu tư, xây dựng mô hình tủ sách lưu động, thư viện thân thiện… ở khuôn viên trường để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với sách, tiến đến xây dựng phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bậc học.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI