Văn hóa - Giải trí

Tôn vinh tơ lụa Việt

07:35, 05/01/2015 (GMT+7)

Lụa Việt Nam không đơn thuần là sản phẩm phục vụ nhu cầu mặc của con người mà mang cả dáng dấp, tinh thần dân tộc. Giữ gìn và phát huy những làng nghề truyền thống về lụa ở Việt Nam chính là giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thợ làng nghề dệt Duy Xuyên giới thiệu công đoạn nhuộm tơ. Ảnh: NGỌC HÀ
Thợ làng nghề dệt Duy Xuyên giới thiệu công đoạn nhuộm tơ. Ảnh: NGỌC HÀ

Mang đến Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam tại Làng lụa Hội An dịp cuối tháng 12-2014 là những sản phẩm tơ lụa đặc sắc của các làng nghề nổi tiếng như: Thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam)… và sản phẩm của một số làng nghề Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines…

Mỗi sản phẩm là tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn mỹ. Hàng lụa trơn thì mịn óng, mềm mại. Hàng dệt hoa thì màu sắc rực rỡ, khi óng ánh, khi trang nhã, màu sắc khi chìm khi ẩn. Để tạo nên tấm vải lụa, phải trải qua những công đoạn thủ công tỉ mỉ, công phu, từ khâu nuôi tằm, đến khi tằm nhả tơ rồi quá trình quay tơ, lên tơ cho ra những sợi tơ bền, đẹp; tiếp tục trải qua khâu chăm chút chọn màu, nhuộm vải đề tạo nên sản phẩm hoàn thiện.

Nét lụa Việt Nam

Theo các chuyên gia nghiên cứu về lụa, vào thế kỷ XVI-XVII, ba thành thị lớn của Việt Nam (phố Hiến, Thăng Long, Hội An) là một mắt xích của Con đường tơ lụa trên biển, giao lưu, trao đổi hàng hóa. Từ đây, tơ lụa truyền thống Việt Nam được đưa ra thế giới và kéo theo thời kỳ hưng thịnh của nghề tằm tang. Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển ồ ạt của ngành dệt may công nghiệp kéo theo xu hướng thay đổi của người dân thích dùng hàng may mặc sẵn, vừa tiện, vừa rẻ, khiến tơ lụa truyền thống mất dần vị thế.

Theo ông Phùng Tấn Đông, chuyên viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An, đất Quảng Nam tồn tại làng dệt Mã Châu ở Duy Xuyên - đất tổ của làng dệt Bảy Hiền ở thành phố Hồ Chí Minh, quê hương của “Bà chúa Tằm tang” Đoàn Quý Phi (chánh thất của chúa Nguyễn Phước Lan). Song, hiện làng nghề gặp không ít khó khăn và nhiều người trong nghề ở làng luôn thở dài tiếc nuối nghĩ về thời hoàng kim.

Cùng chung số phận, làng lụa Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) hiện chỉ còn 7 hộ gia đình theo nghề. Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Như bao nghề truyền thống khác, làng nghề dệt lụa cũng gặp khó khăn nhưng không thể bỏ cái nghề của cha ông được. Chẳng còn cách nào khác là phải tìm phương thức mới để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì mới mong giữ được nghề”.

Đưa tinh thần ái quốc vào lụa

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Song, ông Watanabe Takao, Chủ tịch Hiệp hội nghề tơ lụa Nhật Bản, thừa nhận rằng, ngành lụa Nhật Bản gặp không ít khó khăn khi thị phần trong nước giảm sút và sản phẩm nước ngoài chiếm lĩnh. Bởi lẽ, người tiêu dùng thích dùng hàng giá rẻ, trong khi các sản phẩm thủ công có giá thành cao.

Cũng theo ông Takao, xét về tính tiện ích và giá thành, lụa khó cạnh tranh với sản phẩm bằng chất liệu khác. Nhưng chúng ta không nên chỉ nhìn vào góc cạnh lụa là chất liệu may mặc mà phải hiểu đằng sau nó là giá trị văn hóa, tinh thần ái quốc, truyền thống của dân tộc. Với tinh thần đó, khi giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm lụa nên lồng ghép vào yếu tố văn hóa để người dân tự hào khi sử dụng sản phẩm của dân tộc.

“Tại sao các bạn chú ý ngay đến tôi? Vì đơn giản tôi mặc kimono thay cho vest. Kimono lúc này không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa của Nhật Bản. Việt Nam có trang phục truyền thống là áo dài nên đây là cơ hội để lụa Việt Nam được thế giới biết đến. Vấn đề là các bạn tuyên truyền tinh thần ái quốc đó như thế nào. Nên chăng, người Việt Nam cũng mặc áo dài đến các sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế nếu có dịp!”, ông Takao nói.  

Một hướng khác để phát triển nghề lụa, theo các nghệ nhân lâu năm trong nghề là sản xuất những sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, từ đó tạo đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm đời sống cho người thợ thì họ mới gắn bó với nghề. Đi theo xu thế này, các làng nghề không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Chẳng hạn, làng nghề Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) xưa kia chỉ làm ra lụa trơn nhưng 10 năm trở lại đây đã đưa vào kỹ thuật nhuộm loang. Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ mới tạo nên màu sắc đẹp mắt. Nhờ đó, làng nghề hiện có 200 hộ theo nghề và có dấu hiệu khởi sắc. Trong khi đó, nghệ nhân Phan Thị Thuận (làng lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, từ năm 2010, sau nhiều năm tìm hiểu, quan sát, bà phát hiện rằng, bông tơ tằm do tằm tự dệt rất mềm mại, có thể dùng để làm áo, gối, chăn… Từ đó, bà bắt đầu đầu tư thêm cho 50 hộ dân nuôi tằm trong làng để phát triển dòng sản phẩm này và đang được người tiêu dùng đánh giá cao.

Nỗ lực cống hiến gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa của những người yêu nghề đang từng bước giúp nghề tơ lụa tìm lại vị thế của mình. Đó không chỉ là cái đẹp tinh tế về văn hóa mặc mà còn tôn vinh văn hóa truyền thống của cha ông. “Người Chăm chúng tôi không bao giờ mất nghề dệt thổ cẩm và ở đâu còn thổ cẩm thì ở đó có sự hiện diện của văn hóa Chăm”, câu nói của nghệ nhân Quảng Đàm khiến nhiều người suy ngẫm về việc duy trì làng nghề truyền thống Việt đối với văn hóa Việt.

NGỌC HÀ

.