Văn hóa - Giải trí

Bỏ ngỏ đào tạo hạt nhân văn nghệ cơ sở

08:11, 25/12/2014 (GMT+7)

Xây dựng hạt nhân văn hóa - văn nghệ phong trào cấp cơ sở là nền tảng lâu dài cho việc phát triển văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, công tác này vẫn bỏ ngỏ.

Cần có nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cho hạt nhân văn hóa cơ sở.  Trong ảnh: Biểu diễn trích đoạn vở ca kịch Một mạng người tại khóa tập huấn hô hát dân ca Khu 5 tháng 7-2014.
Cần có nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cho hạt nhân văn hóa cơ sở. Trong ảnh: Biểu diễn trích đoạn vở ca kịch Một mạng người tại khóa tập huấn hô hát dân ca Khu 5 tháng 7-2014.

Đầu tư chưa tới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nhà quản lý, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, những người làm văn hóa đã cố gắng tổ chức các lớp học, đào tạo hạt nhân phong trào văn nghệ, nghệ thuật cấp cơ sở như: Sân khấu học đường, lớp hô hát dân ca Khu 5, CLB kịch… Song, việc đầu tư chưa tới nên những ý tưởng tâm huyết này cũng không đi đến đâu.

Nhạc sĩ Trần Hồng cho biết, được khởi xướng từ năm 1999 qua ý tưởng của NSND Phạm Thị Thành với sự hỗ trợ của Quỹ Ford, dự án “Sân khấu học đường” ra đời nhằm đưa các môn nghệ thuật truyền thống đến với lớp trẻ. Năm 2004, Đà Nẵng được chọn triển khai dự án “Sân khấu học đường” về nghệ thuật tuồng tại một số trường như: THCS Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) và THCS Nguyễn Huệ, THCS Kim Đồng (quận Hải Châu). Tuy nhiên, sau đợt công diễn báo cáo tổng kết tại Hà Nội vào tháng 8-2010, dự án phải dừng lại vì không có kinh phí.

Nhạc sĩ Trần Hồng thẳng thắn chỉ ra những điều khiến dự án không hiệu quả. Đó là việc học sinh được tập hợp trong dịp hè, rồi được dạy theo kiểu truyền khẩu. Các nghệ sĩ hát những làn điệu của tuồng như: nói lối, hát nam, hát khách, hát tẩu mã, xướng... thì các em hát theo; dạy các điệu bộ của tuồng thì các em cũng tập theo khá thuần thục. Các em chỉ diễn đúng các trích đoạn được dạy. “Các em chỉ học trong 3 tháng hè, còn người nghệ sĩ phải học cả đời. Sau khi tham gia dự án này, các em quên hết những gì mình đã học và cũng chẳng em nào chọn nghệ thuật này để theo”, nhạc sĩ Trần Hồng nhìn nhận.

Với mong ước tạo sân chơi cho những người yêu thích sân khấu kịch, CLB Sân khấu kịch nói Đà Nẵng ra đời tháng 8-2012 dưới sự tổ chức và quản lý của Trung tâm Văn hóa thành phố. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố: “Hiện nay, CLB này hoạt động không hiệu quả. Mỗi người một nghề, công việc khác nhau nên họ đến rồi đi, không ổn định. Vì hoạt động không thường xuyên nên chất lượng chuyên môn cũng không đảm bảo. Trung tâm từng hợp tác với đài truyền hình trong chuyên mục “Sân khấu màn ảnh nhỏ” (có sử dụng diễn viên của CLB) nhưng đến nay đã dừng vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn”.

Không chỉ dự án “Sân khấu học đường”, mà sân chơi CLB sân khấu kịch nói cũng bị hụt hơi, ngay cả việc tổ chức các lớp hô hát dân ca Khu 5 cũng gặp không ít khó khăn. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Nguyễn Trường Hoàng cứ băn khoăn làm sao có được nguồn kinh phí để mở các lớp hô hát dân ca Khu 5, đào tạo hạt nhân phong trào văn nghệ cho các quận, huyện và trường học. Chính vì không có kinh phí nên lâu lâu mở một lớp thì hiệu quả không cao là điều đương nhiên.

Cần quan tâm nhiều hơn

Với tầm nhìn của một người nghiên cứu sâu rộng về văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Hồng cho rằng dự án “Sân khấu học đường” là ý tưởng hay, cần khôi phục nhưng cách làm phải khác. Đó là nên mời các nghệ sĩ am hiểu về nghệ thuật truyền thống giảng giải cho học sinh cái hay, cái đẹp của loại hình này; chia nhiều buổi, mỗi buổi nói về một chuyên đề.

Chẳng hạn, nói về tuồng thì chia ra các chuyên đề như: phục trang, điệu bộ, nhạc cụ, kẻ mặt...; áp dụng dạy cho nhiều trường, nhiều cấp học. Có như vậy, học sinh, sinh viên mới yêu thích nghệ thuật truyền thống và nhiều em đam mê sẽ chọn theo nghề.

Còn với nghệ sĩ Nguyễn Trường Hoàng, ông chỉ mong muốn mở các lớp đào tạo văn hóa, văn nghệ cho những hạt nhân phong trào. “Lớp nghệ sĩ già chúng tôi chỉ mong muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ. Nhiều cháu ở đội văn nghệ các phường, xã có niềm đam mê nhưng không có cơ hội học hỏi. Nếu có kinh phí mở các lớp đào tạo thường xuyên thì sẽ xây dựng đội ngũ hạt nhân phong trào cơ sở chuyên nghiệp, từ đó nhân rộng nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quần chúng”, ông Hoàng tâm sự.

Trong khi đó, người quản lý, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng Ngô Văn Bảy hy vọng Trung tâm Văn hóa thành phố sớm được an cư. “Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm văn hóa thành phố vẫn phải ở tạm tại Sở VH-TT&DL khi đơn vị này chuyển vào trung tâm hành chính. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố nhanh chóng tạo điều kiện để dự án trung tâm văn hóa thành phố sớm triển khai. Tiếp đó, chú trọng xây dựng các CLB nghệ thuật thì mới mong vực dậy phong trào văn nghệ quần chúng của thành phố”, ông Ngô Văn Bảy đề nghị.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.