Văn hóa - Giải trí

2014 - năm của văn hóa

07:34, 29/12/2014 (GMT+7)

Một năm qua, câu chuyện đầu tư cho văn hóa của thành phố Đà Nẵng trở thành tâm điểm; những vấn đề về văn hóa luôn “nóng” tại các cuộc họp quan trọng của thành phố. Những gì được thực hiện trong năm 2014 là tiền đề để thành phố chọn năm 2015 là Năm văn hóa - văn minh đô thị.  

Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một trong 4 công trình trọng điểm được phê duyệt nguồn kinh phí để cải tạo. Ảnh: Lê Thọ
Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một trong 4 công trình trọng điểm được phê duyệt nguồn kinh phí để cải tạo. Ảnh: Lê Thọ

Đầu tư quyết liệt

Từ khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trần Thọ về tăng cường đầu tư ngân sách, nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa và các công trình văn hóa ngang tầm với sự phát triển của thành phố vào tháng 2-2014, ngành văn hóa nhanh chóng rà soát thực tế và lập những dự án đầu tư cụ thể. Những đề xuất hợp lý đều được lãnh đạo thành phố thông qua.

Trước hết, phê duyệt nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp 4 công trình trọng điểm gồm: Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Những công trình khác như Bảo tàng lịch sử, Rạp Lê Độ, Nhà hát Trưng Vương, Công viên 29-3 cũng được bố trí vốn sửa chữa những hạng mục cần thiết. Thành phố cũng có chủ trương xây dựng các công trình văn hóa quy mô lớn như: Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát lớn.

Lãnh đạo thành phố tán thành quyết định “dọn dẹp” những khu vui chơi giải trí (KVCGT) hoạt động không hiệu quả và có những điều chỉnh hợp lý những KVCGT khác, tạo điều kiện cho người dân dạo mát, vui chơi, thư giãn. Kết quả, có 6 KVCGT giữ nguyên công năng và tiếp tục được đầu tư, 16 KVCGT chuyển đổi công năng sang 12 trung tâm văn hóa thể thao phường, xã; 11 KVCGT thành vườn đi dạo.

Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố chú trọng việc tôn tạo và trùng tu 9 di tích cấp thành phố đang bị xuống cấp với tổng quy mô đầu tư hơn 16 tỷ đồng, bao gồm: đình Khuê Bắc, đình Hưởng Phước, đình Đại La, đình An Ngãi Đông, đình Phong Lệ Bắc, đình Phú Hòa, đình Thái Lai, đình Trúc Bầu, miếu Hàm Trung.

Cùng với những quyết định mạnh mẽ, dứt khoát về đầu tư văn hóa, lãnh đạo thành phố luôn giám sát, đôn đốc thực hiện. Tại các cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trần Thọ luôn chỉ đạo quyết liệt: “Các công trình đã có chủ trương rồi thì phải làm nhanh”. Trong khi đó, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng tỏ ra sốt ruột vì việc các ban, ngành liên quan chưa đồng bộ, chưa theo kịp chủ trương nên truy vấn trách nhiệm của từng ngành đến khi giải quyết cho ra vấn đề mới thôi.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thành phố đặc biệt chú trọng đầu tư bộ máy hoạt động của ngành với kinh phí cho lĩnh vực văn hóa trong năm 2014 là 38 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2013; dự kiến năm 2015 ở mức 77,5 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2014. Ngoài ra, năm 2014, thành phố cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ sáng tác văn học - nghệ thuật. Tại buổi đối thoại trực tiếp với các văn nghệ sĩ, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đồng ý kiến nghị của Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật, trong đó tăng cường kinh phí hoạt động hằng năm và những khoản đầu tư mới cho Liên hiệp hội gần 1 tỷ đồng.

Dấu hiệu khởi sắc

Có thể thấy chưa bao giờ ngành văn hóa được sự đầu tư lớn như hiện nay. Đây là thời cơ mà không phải lúc nào cũng đến và không phải nơi nào cũng có. Đồng thuận với chủ trương của thành phố, hoạt động văn hóa - văn nghệ của thành phố đang được hâm nóng, khởi động để có những bước tiến dài hơi.

Chỉ mới được thành lập thời gian ngắn, trong khi chờ cải tạo, nâng cấp xây dựng, Bảo tàng mỹ thuật đã có nhiều hoạt động phong phú: tổ chức trại sáng tác, triển lãm nhiều chuyên đề: đồ họa, nhiếp ảnh, hội họa… Hội Âm nhạc thành phố triển khai sáng tác thực tế tại quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang; Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa cũng cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng chào mừng 40 năm Ngày giải phóng thành phố.

Dù một số công trình đã được triển khai thi công, một số vẫn nằm trên giấy nhưng có thể thấy người dân đồng tình, ủng hộ và hy vọng sự khởi sắc của ngành văn hóa. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Hầu hết công trình được bố trí vốn vào cuối năm 2014 và chủ yếu trong năm 2015. Do đó, phải 5 năm tới (giai đoạn 2015-2020), văn hóa thành phố mới khởi sắc mạnh mẽ”.

Ủng hộ quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, đừng sốt ruột vì đầu tư cho văn hóa là quá trình lâu dài. Phải có lộ trình, bước đi hợp lý, không máy móc sao chép các mô hình văn hóa từ nơi khác (cả quy mô lẫn công năng) mà phải phù hợp với địa phương. “Nếu không thận trọng, chúng ta lại làm lỡ thời cơ tốt và phải mất công dọn dẹp, giải quyết những hậu quả như thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Đình An chia sẻ.

NGỌC HÀ

.